QBV 2015 Nguyễn Thị Minh Nguyệt: Đóa hoa nở muộn ở mùa xuân 30

thứ năm 7-1-2016 22:28:52 +07:00 0 bình luận
Giống đóa hoa nở muộn của BĐVN, khi tuổi 17 mới “chớm duyên” với trái bóng tròn, Minh Nguyệt đón mùa xuân lần thứ 30 bằng danh hiệu QBV. Và câu chuyện về Nguyệt với hành trình 13 năm lăn theo trái bóng, đẹp lạ thường và không kém phần lâm li của phận nữ nhi đi đá bóng.

“Học sinh cá biệt” tuổi 17

Sinh ra trong một gia đình ở Hà Tây, cô bé Nguyệt thừa hưởng gien di truyền và đam mê thể thao từ người bố. Năm lên lớp 6, Nguyệt nghe lời bố đi tìm kiếm cơ hội chơi bóng chuyền ở Bộ Tư lệnh thông tin. Thế nhưng dù tập bóng chuyền từ nhỏ với bố, Nguyệt vẫn không có được chiều cao bắt buộc là 1m65 để được nhận vào Bộ Tư lệnh thông tin.

Ngày ấy, Nguyệt không chỉ giỏi chơi bóng chuyền mà còn tham gia đá bóng cùng đá bạn trai trong lớp. Mọi người ví cô bé người Hà Tây như một “học sinh cá biệt” của trường. Không phải học kém mà cô bé này chơi rất giỏi các môn thể thao và thường xuyên đá bóng vỡ kính của trường.

Nhắc đến năng khiếu thể thao của Nguyệt, thành tích đáng kể nhất là Nguyệt thi chạy đoạt giải Nhất hội khỏe Phù Đổng vào năm lớp 8. Trong thời điểm tập chạy, một mối “nhân duyên định mệnh” đã đến với cô bé người Hà Tây. Sau mỗi buổi tập, Nguyệt sang đá bóng cùng đội Hà Tây cho vui và ngay lập tức, các thầy đã thấy bóng dáng của một tài năng.

Tuổi 17, dù mẹ khuyên nhủ “đời con gái đi đá bóng, khổ lắm con” nhưng Nguyệt vẫn khăn gói lên tập luyện cùng đội Hà Tây. Hài lắm thay, Nguyệt đâu biết đá bóng phải tập luyện khổ cực, phải tập chiến thuật, tập thể lực và bao nhiêu thứ không tên khác... Vào buổi tập, Nguyệt ngơ ngác và lạc lõng, bởi thầy bảo tập gì cũng không hiểu và đứng thờ người ra như đứa trẻ lần đầu chơi bóng.

Tuổi 17 đến với bóng đá, Nguyệt giống như “học sinh cá biệt”, giống như thiếu nữ lần đầu biết yêu. Thế nhưng Nguyệt yêu trái bóng tròn đến kỳ lạ. Vào mỗi buổi sáng, cô bé dậy thật sớm để rèn thể lực và mỗi buổi chiều tập xong thì ở lại trau dồi thêm những kỹ năng còn thiếu. Sự dày công khổ luyện cùng ý chí lạ thường ấy đã giúp Nguyệt khẳng định được bản thân sau hơn 6 tháng đến với bóng đá.

Suýt “lỡ yêu” vì mất niềm tin

Là “học sinh cá biệt” với trái bóng tròn, Minh Nguyệt nhanh chóng tìm được chỗ đứng trong màu áo ĐTVN. Năm 2004, Nguyệt được gọi lên U.19 VN và cuối năm ấy, cô gái người Hà Tây được “nhấc” lên thẳng ĐTVN khi mới tròn 18 tuổi. Đến năm 2005, Nguyệt cùng ĐTVN giành được HCV SEA Games. 1 năm sau đó, Nguyệt cùng đội Hà Tây giành chức vô địch QG.

Chưa tròn 20 tuổi, Nguyệt đã giành được mọi vinh quang mà bất kỳ cầu thủ nữ nào cũng ao ước. Thế nên bóng đá với gắn bó với cô gái này như một điều gì đó rất đẹp, dù mẹ Nguyệt vẫn thường khuyên con gái đừng đá bóng nữa, bởi đời con gái đá bóng lắm gian truân và phải hy sinh nhiều thứ thiêng liêng. Tuổi xuân trôi dần theo trái bóng tròn là ví dụ điển hình.

4 năm sau lần đầu giành HCV SEA Games, Nguyệt cùng ĐTVN tiếp tục gặt hái vinh quang ở SEA Games 2009 tại Lào. Dẫu vậy, ngay sau ánh hào quang ấy thì Nguyệt đã bị đứt dây chằng chéo trước trong chuyến tập huấn ở Đài Loan vào năm 2010. Tấn bi kịch khiến cho cô gái người Hà Tây thấu hiểu được sự hụt hẫng và nỗi buồn của phận nữ nhi đi đá bóng, dù chi phí phẫu thuật và điều trị đều được Tổng cụ TDTT chi trả.

Suốt 1 năm sau ca phẫu thuật, Minh Nguyệt được người bạn thân cùng gia đình chăm sóc. Mọi thứ gần như trở về con số 0 với cô gái này, khi chẳng còn ai nhắc đến hay động viên Nguyệt hãy cố gắng vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục chơi bóng. Ngày ấy, Nguyệt hụt hẫng tột cùng và có suy nghĩ sẽ giải nghệ bởi chán thay sự vô tình, bạc bẽo của bóng đá. Trong khi đó, mẹ Nguyệt luôn cất lời khuyên con gái sớm chia tay bóng đá.

Nhiều đêm trăn trở, Nguyệt xác định nghe lời mẹ khuyên sẽ từ giã bóng đá và có suy nghĩ lấy bằng Đại học TDTT xong sẽ tìm một công việc ổn định để lo cho tương lai. Thế nhưng sau những ngày tập đi và chạy nhảy được thì nỗi nhớ bóng đá lại trỗi dậy, đeo bám và trở thành ám ảnh thường trực. Những kỷ niệm bóng đá cứ ùa về trong tâm trí và chúng chiến thắng, Nguyệt lại xỏ giày tiếp tục thi đấu.

Xuân này đã khác xuân xưa

Sau lần trở lại với bóng đá với cái dây chẳng chéo bị đứt, Minh Nguyệt chơi bóng trong nỗi lo sợ chấn thương tái phát và đầu gối buốt đau trong những ngày Đông trở gió. Thế nhưng Nguyệt xác định phải nỗ lực hết mình để khẳng định bản thân và tìm kiếm một danh hiệu để đời sau khi giải nghệ có thể tự hào với chính mình.

Năm 2013, Minh Nguyệt tỏa sáng rực rỡ để giúp Hà Nội I giành chức vô địch quốc gia và “ẵm” danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Lúc ấy, nhiều người đã dự đoán là Nguyệt chắc chắn sẽ giành danh hiệu QBV nữ 2013. Thế nhưng giống như sự trêu đùa của số phận, vì nhiều lý do BTC đã không thể tổ chức trao giải QBV năm 2013.

Với Nguyệt, đó là một nỗi buồn khôn nguôi khi cô gái này đã chờ đợi từng ngày nhưng QBV bất ngờ nghỉ ngang sau 19 năm liên tiếp vinh danh các cầu thủ xuất sắc nhất của BĐVN. Nỗi buồn ấy hoàn toàn có thể hiểu được khi Nguyệt đã có 1 năm nỗ lực, sau mùa bóng xuất sắc nhất trong suốt sự nghiệp cầu thủ.

Dưới ánh đèn sân khấu, đứng trên bục vinh quang của đời cầu thủ, Minh Nguyệt cười rạng ngời đón nhận danh hiệu QBV nữ 2015. Một phần thưởng xứng đáng cho những gì cô gái Hà Tây đã nỗ lực trong năm 2015 và vượt qua bao nhiêu khó khăn trong suốt 13 năm gắn bó với trái bóng tròn. Một cảm giác sung sướng tột cùng mà Nguyệt ví như đã cầm được “chiếc Cúp cuộc đời”, dù đáng ra thì Nguyệt đã có thể tận hưởng cảm giác ấy trong 2 năm về trước.

Tuổi 30, Nguyệt mới giành được danh hiệu QBV, dù khá muộn nhưng chắc chắn điều ấy chưa phải là điểm dừng đối với cô gái 17 tuổi mới đến với bóng đá. Bây giờ, Nguyệt vẫn đang khát khao chinh phục thêm nhiều danh hiệu, muốn vượt qua giới hạn của bản thân với niềm đam mê cháy bỏng cùng trái bóng tròn.

Như lời mẹ Nguyệt nói thì “con gái người ta 30 tuổi đã chồng con và ổn định sự nghiệp còn con sao vẫn chạy theo trái bóng”. Đó là một sự trăn trở đúng bởi sau này giải nghệ thì tương lai Nguyệt sẽ về đâu? Nguyệt vẫn không nghĩ ngợi nhiều. 30 tuổi vẫn lao theo trái bóng như thuở tuổi 17, bởi “đóa hoa nở muộn” người Hà Tây bây giờ mới thực sự tỏa hương. 

Năm 2009 ở SEA Games tại Lào, Minh Nguyệt muốn bật khóc khi chứng kiến người đàn chị Kim Chi đổ máu trong trận đấu với Thái Lan. Với Nguyệt, hình ảnh ấy đã hun đúc cho cô gái này có thêm nghị lực để cố gắng khẳng định bản thân. Nguyệt muốn mình thật trưởng thành để được cống hiến hết mình cho ĐTVN như các đàn chị lứa trước.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội