Cà Mau rút khỏi Hạng Nhất: “Sống chết mặc bay”!
Từ chuyến khảo sát của VFF
Với mục tiêu đến năm 2018 thì V.League có 14 đội và hạng Nhất có 14 đội, VFF đã từng tiến hành khảo sát tình hình ở các địa phương. Thế nhưng, trước thực trạng hầu hết các đội bóng chơi ở giải hạng Nhì đều rỗng tuếch từ kinh phí, cơ sở vật chất đến lực lượng kế thừa, VFF vẫn “kiên định” mục tiêu theo kiểu… nhắm mắt làm ngơ.
Ngạc nhiên hơn khi trước đó VFF đã có bài học nhãn tiền từ chuyện 2 đội Trẻ Khánh Hòa và Bà Rịa -Vũng Tàu rút lui khỏi giải Nhất 2013 ngay sau khi giành vé thăng hạng, với nguyên nhân chính là không đủ kinh phí để tham dự giải.
Có một sự bất cập lớn của BĐVN giữa 2 giải đấu sát nhau là chuyện kinh phí. Khi đội hạng Nhì chỉ cần vài tỷ đồng, thậm chí là 1 tỷ đồng cũng đủ duy trì sự sống (điển hình là Kon Tum với kinh phí chưa tới 1 tỷ đồng), thì giải hạng Nhất lên đến 15 tỷ đồng còn V.League là 35 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến cơ sở vật chất, công tác đào tạo trẻ cùng hàng trăm vấn đề nan giải khác.
Kinh phí cũng chính là nguyên nhân khiến cho Cà Mau vừa lên hạng Nhất đã xin rút lui khỏi giải. Một câu chuyện tưởng như đùa nhưng được người trong cuộc xác nhận là họ chỉ cần 5 tỷ đồng là có thể đá đàng hoàng, ngặt nỗi đau đớn là không biết đào đâu ra số tiền ấy. Thế nên, Cà Mau đành chấp nhận rút lui khỏi giải và đứng trước nguy cơ bị tan rã.
Từ câu chuyện của Cà Mau khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, VFF đã khảo sát được những gì khi để đội bóng này tham gia giải hạng Nhì? Khi hầu hết lực lượng của Cà Mau là mượn từ Đồng Tháp và An Giang còn kinh phí thì gần như nhẵn túi. Phải chăng VFF đã nhắm mắt làm ngơ, với chuyến khảo sát theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nhằm phục vụ cho mục tiêu năm 2018 thì V.League có 14 đội và hạng Nhất có 14 đội.
Đến bi kịch “sống chết mặc bay”
Cả chục năm về trước, đã có nhiều ý kiến đã cảnh báo chuyện BĐVN đang xây nhà từ nóc, với kiểu hình tháp ngược, khi “đỉnh” V.League phình to hơn giải hạng Nhất và giải hạng Nhì.
Thế nên bây giờ, những nghịch lý liên tục xuất hiện âu cũng... không phải là sự lạ. V.League 2015 chỉ có mỗi Đồng Nai xuống hạng, lý do là chẳng có đội hạng Nhất nào… dám lên, ngoại trừ CLB Hà Nội.
Bây giờ nỗi đau càng lớn hơn khi Cà Mau lên hạng Nhất phải xin rút lui và họ lại ân hận, giá như đừng lên hạng thì vẫn còn được đá hạng Nhì.
Cái tát điếng người từ chuyện Cà Mau xin rút lui khỏi giải hạng Nhất khiến người ta giật mình với thực trạng bi hài của BĐVN: hạng Nhì không dám lên hạng Nhất và hạng Nhất thì không dám lên V.League. Chưa kể bi kịch của giải đấu số một Việt Nam: hầu hết các đội bóng xuống hạng đều giải tán. An Giang bị “khai tử” là ví dụ gần nhất và Đồng Nai bây giờ chưa biết số phận ra sao.
Rất nhiều nguyên nhân được mổ xẻ sau mỗi lần có đội bóng xuống hạng bị giải tán, trong đó kinh phí là điều được nhắc đến đầu tiên. Nhưng sâu xa hơn là mô hình tháp ngược của BĐVN.
Một đội bóng xuống hạng xem như “sống chết mặc bay” bởi không còn ai nhắc đến họ, kể cả VFF hay VPF cũng chẳng có một lời động viên. Chính HLV Trần Bình Sự từng huỵch toẹt: “Các anh đừng xem chuyện xuống hạng như thảm họa trái đất, hãy để cho lãnh đạo tiếp tục làm bóng đá”.
VFF với mục tiêu năm 2018 V.League có 14 đội và hạng Nhất có 14 đội thực sự là tấn kịch bi hài cho cả một nền bóng đá chỉ ưu tiên về số lượng.
Với kinh phí cả mùa chỉ bằng mức thưởng một trận thắng then chốt của các đội bóng lớn ở V.League, hầu hết các CLB hạng Nhất và hạng Nhì chỉ tồn tại bằng cách mượn cầu thủ trẻ của các đội bóng lân cận đang dự V.League. Phú Yên sống nhờ HA.GL cho mượn gần hết lực lượng là minh chứng.