Thành tích các đội ở VCK U17 châu Á: Việt Nam từng gây địa chấn
Ngày 15/6, VCK U17 châu Á 2023 sẽ khởi tranh. Giải đấu lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1985. Từ đó đến nay, tùy theo thời điểm, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tổ chức theo từng độ tuổi. Giai đoạn 1985-2000 là U16, từ 2002-2006 là U17, 2008-2020 trở về U16 và bắt đầu từ năm 2023 sẽ trở lại U17.
Việt Nam từng 1 lần tổ chức vào năm 2000. Thời điểm đó, bóng đá Việt Nam không được đánh giá cao. Tuy nhiên, ở Chi Lăng, Văn Quyến cùng đồng đội tạo nên cơn địa chấn khi đánh bại U16 Trung Quốc với tỷ số 3-2 để giành vé vào bán kết. Đó cũng là thành tích tốt nhất của các lứa U16 và U17 Việt Nam ở sân chơi này.
Trước thềm VCK U17 châu Á 2023 khởi tranh, AFC đã đưa ra nhận định từng bảng đấu và điểm lại các cột mốc đáng nhớ của 16 đội.
Bảng A
Với lợi thế sân nhà, U17 Thái Lan mong muốn có cơ hội đi tiếp nhưng không có gì đảm bảo cho họ với bảng đấu đầy tính cạnh tranh. Malaysia và Yemen gây ấn tượng ở vòng loại. Lào chứng tỏ họ không thể xem thường. Tất cả tạo tiền đề về cuộc cạnh tranh kịch tính ở bảng A.
U17 Lào
Số lần tham dự: 2
Thành tích tốt nhất: Vòng bảng
Thành tích vòng loại: Nhì bảng I
Sự thật thú vị: Lào sẽ góp mặt trở lại VCK kể từ lần đầu tiên vào năm 2012
U17 Malaysia
Số lần tham dự: 5
Thành tích tốt nhất: Tứ kết 2014
Thành tích vòng loại: Nhất bảng B
Sự thật thú vị: Malaysia góp mặt ở VCK lần thứ 4 liên tiếp
U17 Thái Lan
Số lần tham dự: 11
Thành tích tốt nhất: Vô địch 1998
Thành tích vòng loại: Nhì bảng F
Sự thật thú vị: Thái Lan đã không vượt qua vòng bảng 4 lần trước đó
U17 Yemen
Số lần tham dự: 5
Thành tích tốt nhất: Á quân 2002
Thành tích vòng loại: Nhất bảng E
Sự thật thú vị: Yemen đứng đầu bảng vòng loại với 3 trận toàn thắng, ghi 18 bàn và không để thủng lưới
Bảng B
Bảng đấu thú vị với sự xuất hiện của ba cựu vô địch. Afghanistan là đội duy nhất chưa từng bước lên bục cao nhất.
U17 Afghanistan
Số lần tham dự: 1
Thành tích tốt nhất: Vòng bảng
Thành tích vòng loại: Nhì bảng H
Sự thật thú vị: Lần đầu tiên Afghanistan góp mặt ở VCK là vào năm 2018
U17 Iran
Số lần tham dự: 11
Thành tích tốt nhất: Vô địch 2008
Thành tích vòng loại: Nhất bảng I
Sự thật thú vị: Bên cạnh chức vô địch năm 2008, Iran còn giành ngôi á quân vào các năm 2000 và 2016
U17 Hàn Quốc
Số lần tham dự: 14
Thành tích tốt nhất: Vô địch 1986, 2002
Thành tích vòng loại: Nhì bảng J
Sự thật thú vị: Hàn Quốc cũng từng đoạt ngôi á quân vào năm 2008 và 2014
U17 Qatar
Số lần tham dự: 10
Thành tích tốt nhất: Vô địch 1990
Thành tích vòng loại: Nhất bảng C
Sự thật thú vị: Qatar từng 5 lần về nhì. Họ không vượt qua vòng loại ở các năm 2016 và 2018
Bảng C
Australia và Trung Quốc tái ngộ sau khi cả hai từng chạm trán ở vòng loại. Tuy vậy, đây là bảng đấu khó khi Saudi Arabia tìm kiếm danh hiệu thứ 3 còn Tajikistan cũng đặt mục tiêu cải thiện vị trí á quân vào năm 2018.
U17 Australia
Số lần tham dự: 6
Thành tích tốt nhất: Bán kết 2010, 2014, 2018
Thành tích vòng loại: Nhất bảng G
Sự thật thú vị: Australia chỉ một lần không thể vượt qua vòng bảng - vào năm 2016
U17 Trung Quốc
Số lần tham dự: 14
Thành tích tốt nhất: Vô địch 1992, 2004
Thành tích vòng loại: Nhì bảng G
Sự thật thú vị: Không vượt qua vòng loại ở hai lần gần nhất, không vượt qua vòng bảng 4 lần từ năm 2008-2014.
U17 Saudi Arabia
Số lần tham dự: 10
Thành tích tốt nhất: Vô địch 1985, 1988
Thành tích vòng loại: Nhất bảng D
Sự thật thú vị: Saudi Arabia là nhà vô địch đầu tiên vào năm 1985
U17 Tajikistan
Số lần tham dự: 3
Thành tích tốt nhất: Á quân 2018
Thành tích vòng loại: Nhất bảng H
Sự thật thú vị: Tajikistan về thứ ba trong lần đầu tiên tham dự VCK vào năm 2006
Bảng D
Nhật Bản tìm kiếm danh hiệu thứ 4 để nối dài kỷ lục. Ấn Độ bị Saudi Arabia vượt qua ở vòng loại nhưng gây ấn tượng mạnh. Bóng đá Uzbekistan và Việt Nam có sự phát triển trong thời gian gần đây.
U17 Ấn Độ
Số lần tham dự: 8
Thành tích tốt nhất: Tứ kết 2002, 2018
Thành tích vòng loại: Nhì bảng D
Sự thật thú vị: Ấn Độ gây ấn tượng ở vòng loại, chỉ xếp sau Saudi Arabia nhưng vượt qua Kuwait, Myanmar và Maldives để trở thành một trong
sáu đội nhì bảng có thành tích tốt nhất
U17 Nhật Bản
Số lần tham dự: 15
Thành tích tốt nhất: Vô địch 1994, 2006, 2018
Thành tích vòng loại: Nhất bảng A
Sự thật thú vị: Nhật Bản đã giành được 3 chức vô địch và 1 lần về nhì
U17 Uzbekistan
Số lần tham dự: 9
Thành tích tốt nhất: Vô địch 2012
Thành tích vòng loại: Nhất bảng J
Sự thật thú vị: Uzbekistan sẽ đặt mục tiêu hoàn tất cú đúp sau khi giành chức vô địch U20 châu Á vào tháng 3
U17 Việt Nam
Số lần tham dự: 7
Thành tích tốt nhất: Thứ 2 năm 2000
Thành tích vòng loại: Nhất bảng F
Sự thật thú vị: Sau thành tích ở năm 2000, Việt Nam chỉ 1 lần vượt qua vòng bảng, đó là vào năm 2016. U16 Việt Nam vào tứ kết và thất bại 0-5 trước U16 Iran.