Nữ trọng tài Elite hiếm hoi tại giải Hạng Nhất: Nghiệp bóng đá đã ăn vào máu rồi...
Để chuẩn bị cho giải hạng Nhất QG 2021, Ban trọng tài VFF đã quyết định đôn 3 trọng tài nữ lên tham gia điều hành các trận đấu. Đó là các trợ lý trọng tài Nguyễn Thị Hằng Nga, Trương Thị Lệ Trinh và Hà Thị Phượng. Cả 3 nữ trọng tài này đều là trọng tài FIFA đạt cấp Elite (cấp Elite là cấp cao nhất của trọng tài FIFA ở một châu lục, thường được AFC mời làm nhiệm vụ tại các giải đấu quốc tế).
Trong số những trọng tài kể trên, Hà Thị Phượng không phải là người quá xa lạ. Cô là cái tên "gây sốt" trong giới trọng tài trong những năm gần đây bởi tài năng lẫn nhan sắc "trời phú". Hà Thị Phượng có cuộc trò chuyện cùng Webthethao nhân ngày đặc biệt Quốc tế phụ nữ 8/3.
Webthethao: Chị có cảm xúc như thế nào khi được đôn lên làm nhiệm vụ ở các trận đấu tại giải hạng Nhất QG 2021?
- Hà Thị Phượng: Sau khi biết mình được giao nhiệm vụ tham gia điều khiển các trận đấu tại giải hạng Nhất QG 2021, tôi cảm thấy rất vui bởi được Ban trọng tài tin tưởng. Niềm vui này khó tả lắm vì đây là lần đầu tiên các nữ trọng tài được “cầm cờ” ở giải chuyên nghiệp nam Việt Nam. Qua đây, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới Ban trọng tài, LĐBĐ Việt Nam, Công ty VPF đã có lòng tin và tạo điều kiện cho các trọng tài nữ được làm việc ở giải đấu chuyên nghiệp nhất của bóng đá Việt Nam.
Năm 2020, chị suýt nữa trở thành nữ trọng tài đầu tiên được tham gia điều hành ở giải bóng đá chuyên nghiệp nam Việt Nam, thời điểm đó chị có cảm thấy tiếc nuối?
- Có chứ, tôi có chút tiếc nuối sau ngày kiểm tra hôm ấy. Năm ngoái tôi đã chuẩn bị thể lực, chuyên môn tương đối tốt nhưng lại gặp vấn đề về tâm lý. Đó là lần đầu tiên tôi tham gia một cuộc thi sát hạch lớn của các trọng tài, lại là trọng tài nữ duy nhất nên tâm lý có phần lo lắng và hồi hộp khiến tôi không vượt qua được phần cuối cùng của bài thi thể lực.
Các cầu thủ nam đang tỏ ra hào hứng khi giải hạng Nhất xuất hiện các trọng tài nữ, chị cảm thấy như thế nào?
- Cái gì lần đầu tiên cũng sẽ cảm thấy mới mẻ (cười). Nhưng thực ra tôi cảm thấy khá thoải mái và không có nhiều áp lực lắm đâu. Công việc của tôi hiện tại thường xuyên tiếp xúc với các cầu thủ nam, đồng nghiệp nam nên tôi cũng thấy bình thường.
Ngoài công việc của một trọng tài, chị còn có nghề tay trái nào khác?
- Nói đúng ra trọng tài mới là nghề tay trái, còn công việc chính thức của tôi là làm việc tại CLB bóng đá Hải Phòng với vai trò một điều phối viên. Hai công việc này hỗ trợ bù trừ lẫn nhau. Dù làm việc với vai trò nào, tôi cũng cảm thấy thoải mái.
Khó khăn của các trọng tài nữ là gì, thưa chị?
- Trọng tài là nghề được ví như "làm dâu trăm họ". Tất nhiên với trọng tài nữ, sẽ có nhiều khó khăn hơn như di chuyển nhiều, đòi hỏi thể lực tốt,... Tuy vậy, nghiệp bóng đá nói chung và nghề trọng tài nói riêng đã "ăn vào máu", không thể tách rời. Tôi vẫn luôn muốn theo đuổi đam mê, sống và làm những điều mình thích.
Nhiều người cho rằng các trận đấu của bóng đá nữ diễn ra với tốc độ chậm, dễ xử lý các tình huống, nhưng ở các trận đấu của nam thì sẽ nhịp độ nhanh và khó hơn rất nhiều. Chị đánh giá như thế nào về điều này?
- Tất nhiên ở các trận đấu của nam, độ khó sẽ cao hơn rất nhiều so với các giải đấu nữ. Điều này đòi hỏi các trọng tài phải có chuyên môn tốt, tính nhạy bén và sự quyết đoán. Tôi tin rằng, bản thân cùng hai đồng nghiệp nữ khác sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn, thể lực để có thể đáp ứng yêu cầu khi được phân công nhiệm vụ ở các trận đấu sắp tới.
Chị đã chuẩn bị như thế nào cho giải đấu đầu tiên?
- Hiện tại tôi vẫn tập thể lực đều đặn hàng ngày. Bản thân cũng đã sẵn sàng về mọi mặt, chỉ chờ đến giải đấu khởi tranh để có thể tận hưởng niềm vui trong lần đầu tiên "cầm cờ" điều hành trận đấu tại giải hạng Nhất Quốc gia 2021.
Cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!