Từ ca “nóng” Kim Huệ tới chuyển nhượng bóng đá Việt: “Phép” FIFA… thua “lệ” V.League
Quy định của FIFA “tồn tại” trong bóng đá Việt Nam
Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) đã có quy chế chuyển nhượng từ năm 2011. Thế nhưng, 10 năm qua, bản Quy chế này “đắp chiếu”. Chỉ đến khi sự vụ Kim Huệ cùng ba học trò thỏa thuận với Bamboo Airways Vĩnh Phúc trong khi vẫn còn hợp đồng với Ngân hàng Công Thương, tất cả mới vỡ lẽ về một quy chế chuyển nhượng lỏng lẻo dẫn đến hệ quả nhãn tiền là tranh cãi không có hồi kết xung quanh câu chuyện này.
Và thực tế, ở thể thao Việt Nam, mỗi bộ môn có những đặc thù riêng, quy tắc riêng về chuyển nhượng. Bóng đá Việt đã và đang chứng kiến nhiều tình cảnh oái ăm về vấn đề này.
Bất kể môn thi đấu thể thao nào, các nguyên tắc hoạt động đều dưới sự quản lý của một cơ quan đầu não. Bóng đá Việt Nam hoạt động dưới sự giám sát và tuân theo các luật lệ của FIFA. Trên trang chủ của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), có rất nhiều tài liệu liên quan đến các vấn đề về cách thức hoạt động trong bóng đá.
Riêng về khái niệm chuyển nhượng, bộ tài liệu được VFF đăng tải là Quy chế về địa vị pháp lý và chuyển nhượng cầu thủ của FIFA. Theo đó, có những quy định rõ ràng về vấn đề chuyển nhượng cầu thủ.
Điều 18, Những quy định đặc biệt liên quan đến hợp đồng giữa Cầu thủ chuyên nghiệp và Câu lạc bộ, nêu:
1. Nếu một Đơn vị trung gian tham gia vào việc thương thảo hợp đồng, tên của Đơn vị đó phải được ghi trong hợp đồng.
2. Thời hạn tối thiểu của hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho tới hết Mùa giải và thời hạn tối đa của hợp đồng là năm (5) năm. Chỉ được ký hợp đồng có thời hạn khác với quy định này nếu phù hợp với luật pháp quốc gia. Cầu thủ dưới 18 tuổi không được ký hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp có thời hạn dài hơn ba (3) năm. Bất kỳ điều khoản nào đề cập đến một thời hạn dài hơn đều không được công nhận.
3. Câu lạc bộ dự định ký hợp đồng với Cầu thủ chuyên nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Câu lạc bộ hiện thời của cầu thủ trước khi tiến hành thương thảo với cầu thủ đó. Cầu thủ chuyên nghiệp chỉ có thể được tự do ký kết hợp đồng với một câu lạc bộ khác khi hợp đồng với câu lạc bộ hiện thời đã hết hạn hoặc sẽ hết hạn trong vòng sáu tháng. Vi phạm quy định này sẽ phải chịu những biện pháp phạt thích hợp.
4. Giá trị pháp lý của hợp đồng không phụ thuộc vào kết quả kiểm tra y tế khả quan và/hoặc việc được cấp giấy phép lao động.
5. Nếu Cầu thủ chuyên nghiệp tham gia vào nhiều hơn một hợp đồng trong cùng một giai đoạn, các quy định ở Chương IV sẽ được áp dụng.
Cụ thể, Điều 18 bis về ảnh hưởng của bên thứ 3 đối với CLB
1. Không CLB nào được phép tham gia vào một bản hợp đồng cho phép một bên khác trong hợp đồng đó hoặc một bên thứ ba quyền được tác động vào việc tuyển dụng và các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng, sự độc lập, các quy định cũng như việc thi đấu của các đội bóng thuộc CLB.
2. Ban Kỷ luật FIFA có thể áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với CLB không tuân thủ nguyên tắc đề ra trong quy định này.
Điều 18ter. Quyền sở hữu của bên thứ ba đối với các lợi ích kinh tế của cầu thủ
1. CLB hoặc cầu thủ không được tham gia vào một bản hợp đồng với một bên thứ ba mà bên này được tham gia toàn bộ hoặc một phần việc thanh toán tiền bồi thường liên quan đến chuyển nhượng trong tương lai của cầu thủ từ một CLB này đến một CLB khác, hoặc được ủy quyền liên quan đến việc bồi hoàn chuyển nhượng hoặc chuyển nhượng trong tương lai của cầu thủ.
Đây là những quy định áp dụng với mọi liên đoàn bóng đá thành viên trên thế giới. Tuy nhiên, VFF lại không có những văn bản rõ ràng quy định về mức phí chuyển nhượng, thời hạn hợp đồng,… của bóng đá Việt Nam. Ngay cả trong Điều lệ giải bóng đá VĐQG 2021, VPF đưa ra bản danh sách dài 29 trang A4, vấn đề chuyển nhượng không được đề cập quá chi tiết. Nó chỉ được nêu ra ở mục 3.5 về Quy định về đăng ký, tham dự giải. Theo đó, VPF nhấn mạnh vào thời hạn đăng ký trước và giữa mùa giải.
“Lệ” riêng của V.League và những thương vụ dở khóc, dở cười
Trên thế giới, vấn đề chuyển nhượng được phân định hết sức rạch ròi. Các cầu thủ chủ yếu có những người đại diện hay công ty đại diện, gọi là “cò”. Họ chính là những người thay mặt thân chủ đứng ra đàm phán, thương thảo hợp đồng để bảo vệ quyền lợi. Tùy theo danh tiếng và thời hạn hợp đồng của cầu thủ, họ nhận được các khoản thu nhất định.
Trong đó, CLB chủ quản nếu cầu thủ còn hợp đồng sẽ được nhận tiền chi phí chuyển nhượng; các “cò” nhận tiền lót tay, hoa hồng chuyển nhượng còn cầu thủ nhận mức lương tương xứng cùng các đãi ngộ.
Theo đúng quy trình này, bóng đá Việt Nam chứng kiến một thương vụ “xưa nay hiếm” là Đặng Văn Lâm. Năm 2019, CLB Muang Thong United của Thái Lan mua đứt anh từ CLB Hải Phòng. Thời điểm đó, Văn Lâm vẫn còn một năm hợp đồng với đội chủ sân Lạch Tray. CLB Hải Phòng được cho là nhận 500.000 USD phí chuyển nhượng, Văn Lâm hưởng lương 10.000 USD/tháng cùng các đãi ngộ khác như được cấp nhà, xe riêng,…
Đó là trường hợp hiếm hoi bởi Văn Lâm từng được đào tạo ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp tại Nga. Anh có đầy đủ yếu tố để quyết định đến với các CLB khác theo dòng chảy của thị trường chuyển nhượng thế giới.
Còn với bóng đá Việt Nam và V.League, chuyển nhượng là một khái niệm xa xỉ. Ở đó, có những “lệ” riêng đến dở khóc, dở cười. Quy trình chuyển nhượng ở Việt Nam như một “kim tự tháp” ngược với thế giới.
Các cầu thủ chủ yếu tự đi đàm phán và thông thường, các CLB chủ quản hiếm khi nhận được phí chuyển nhượng. Mức thu “khủng” của các cầu thủ phụ thuộc vào tiền lót tay và số tiền lương chỉ được xem là đủ chi trả cuộc sống hàng ngày. Khái niệm CLB mua đi chốt giá với CLB bán cầu thủ gần như không có.
Trong lịch sử, thương vụ “bom tấn” Lê Công Vinh diễn ra phù hợp với thực tế 20 năm lên bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Dù anh được cho nhận mức lót tay đến cả chục tỷ nhưng đó chỉ là “giao dịch” giữa cầu thủ và CLB muốn mua. Cả Hà Nội T& T hay Hà Nội ACB đều không mất đồng nào cho CLB chủ quản trước đó của Lê Công Vinh.
Hay mới nhất, các cầu thủ HAGL như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh,… được cho có ràng buộc với đội bóng chủ quản với hợp đồng có thời hạn… 8 năm. V.League cũng tồn tại nhiều thương vụ chuyển nhượng trớ trêu theo kiểu luân chuyển như Hoàng Vũ Samson từ Hà Nội về Quảng Nam ở giữa V.League 2019.
Hay bộ ba Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Fagan được cho Hải Phòng mượn để đua trụ hạng V.League 2020 bất chấp thời điểm đó, Than Quảng Ninh đang đua vô địch. Một cuộc “hy sinh” bất thường nhưng lại quá đỗi bình thường trong dòng chảy chuyển nhượng bóng đá Việt Nam khi các CLB có những mối quan hệ chằng chịt.
Một lãnh đạo một CLB V.League nói rằng: “Chuyển nhượng ở V.League chỉ là khái niệm. Chẳng hạn, một cầu thủ ký hợp đồng 3 năm nhưng chỉ sau một năm, họ có thể ra đi… tự do”. Bản thân các hợp đồng lao động giữa HLV và CLB chủ quản cũng không có quá nhiều ràng buộc. Thậm chí, đó chỉ là hình thức còn mấu chốt vẫn nằm ở chữ tình.
Chính vì thế, NHM bóng đá Việt Nam hiếm khi được thấy các thông tin chi tiết về các hợp đồng mà chủ yếu là truyền tai. Các CLB cũng chỉ “xì” thông tin nhỏ nhoi về thời hạn hợp đồng, còn mức lót tay, lương, các chế độ đãi ngộ,… những ai quan tâm phải tự đi tìm hiểu. Các cầu thủ cũng không “dám” đánh tiếng muốn chuyển đến CLB khác. Phương thức chuyển nhượng được nôm na hiểu theo kiểu “lệ” V.League.
Khi vấn đề chuyển nhượng của Việt Nam đi ngược với thị trường chuyển nhượng bóng đá thế giới, đó là sự bất cập lớn bởi nó có thể tạo ra những hệ lụy khó lường trước. Không loại trừ khả năng, sẽ có những kẽ hở để khiến các sự vụ sau này có thể xảy ra tương tự như vụ Kim Huệ và các học trò ở bóng chuyền.
Kỳ 1: Từ trường hợp Kim Huệ tới nghịch cảnh bi hài của bóng chuyền Việt
Kỳ 2: Những cuộc "đi đêm" đình đám làm dậy sóng bóng chuyền nội
Kỳ 3: Ca ”nóng" Kim Huệ và quy chế chuyển nhượng bóng chuyền Việt 10 năm... "lập cho có"!
Kỳ 4: Nghịch cảnh bóng chuyền Việt qua chia sẻ của "người trong cuộc" đặc biệt
Kỳ 5: Nhìn từ vụ Kim Huệ bóng chuyền, VBA ngăn chặn tình trạng "đi đêm" như thế nào?
Đón đọc Kỳ 7: Kinh nghiệm và những mẫu hình quốc tế tránh "đi đêm" của các CLB, cầu thủ