Từ những chuyện ồn ào trước thềm Đại hội VFF: Khi các bên chưa nhìn về một hướng…
Trong vòng 2 thập kỷ qua, trước mỗi kỳ Đại hội VFF gần như luôn xảy ra những chuyện ồn ào, mâu thuẫn, hoặc là đấu đá, chỉ trích cá nhân. Bởi vậy, không có gì lạ khi tới thời điểm hiện tại, quá trình chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ 8 của tổ chức này bước vào cao điểm, thì lại rộ lên những cuộc tranh cãi, “đấu tố” thật sự mệt mỏi. Nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Thoạt tiên, người ta thấy xuất hiện những luồng thông tin, dư luận nhắm vào 2 nhân vật chóp bu của VFF khóa 7 là Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn. Trên một vài tờ báo và một vài trang cá nhân (cũng của chính những người viết các bài báo ấy), ông Lê Hùng Dũng bị nhìn nhận là một vị chủ tịch gần như “bù nhìn”, sau khi ông giao lại quyền hành lớn nhất cho PCT Trần Quốc Tuấn để tập trung chữa bệnh.
Đương nhiên, kiểu chỉ trích cá nhân này chỉ tập trung xoáy vào những điều tiếng liên quan tới ông Tuấn “tổng”, và lờ hết những gì ông đóng góp trong vai trò Tổng thư ký VFF 2 nhiệm kỳ 5-6 cũng như PCT thường trực của khóa này. Cuộc công kích đối với cá nhân ông Tuấn vì thế rõ ràng là thiếu khách quan và hẳn nhiên cũng rất thiếu… hiệu quả khi phần lớn công luận cũng như giới bóng đá ghi nhận những cái ĐƯỢC của ông trong việc thực thi phận sự, chức trách của mình.
Dư luận đàm tiếu rằng, đấy là khi “phe cánh” đối lập với ông Tuấn “tổng” muốn tranh thủ bôi đen hình ảnh và uy tín của “đối thủ” trước khi chính thức ra mắt. Khổ nỗi, trong lúc cái gọi là “phe đối lập” ấy còn chưa thể hiện được gì cho cuộc tranh cử của mình thì đội U23 lại thi đấu thành công rực rỡ, một “kỳ tích” vô tiền khoáng hậu trong bóng đá Việt.
Có người bảo ông Tuấn “tổng” và VFF thật… may. Nhưng những ai am tường đều thấy đây cũng là thành quả từ chính những cố gắng của cá nhân ông Tuấn (đặc biệt là phát huy các mối quan hệ ngoại giao của mình) cùng các cộng sự đắc lực trong bộ máy VFF khóa 7!
Mới đây nhất, cuộc ồn ào chuyển hướng sang cá nhân thứ 2 – ông Trần Anh Tú, người thời gian qua nổi bật với chiến công lịch sử của đội tuyển Futsal Việt Nam (mà những nòng cốt từ đội Thái Sơn Nam của ông, từ cầu thủ tới HLV), và càng “nổi” hơn khi ông mạnh dạn bước vào ngôi nhà VPF – công ty tổ chức các giải bóng đá trong hệ thống chuyên nghiệp.
Ông Tú vốn là người không chỉ đam mê bóng đá mà còn mang tư tưởng đổi mới. Vì vậy, bộ máy VPF trong vòng 3 tháng qua đã có những thay đổi rất đáng chú ý, từ hình thức (sửa sang trụ sở) cho tới “nội dung” (những sắp xếp, điều chỉnh về nhân sự). Ông Tú cũng đau đáu với thực trạng VPF chưa hiệu quả trong công tác tìm kiếm các nguồn tài chính, chưa tổ chức một cách chuyên nghiệp các giải đấu mang danh nghĩa “chuyên nghiệp”… Và ông đang mạnh mẽ xắn tay vào cuộc để chấn chỉnh.
Nhưng đùng một cái, vị lãnh đạo cấp tiến này trở thành mục tiêu công kích của một bộ phận công luận khi tiếp tục tham gia tranh cử chức Phó chủ tịch phụ trách mảng tài chính – tài trợ của VFF.
Sự hăng hái của bầu Đức (chỉ trích ông Tú “ham ghế”) đã được người ta lập tức “mượn gió bẻ măng”, tạo nên một cuộc ồn ào mới. Ông Đức thậm chí còn tuyên bố sẽ bỏ bóng đá nếu ông Tú đắc cử. Rốt cuộc, không thể ngồi yên mãi, ông Tú cũng đã có sự đáp trả, nhẹ nhàng nhưng thâm thúy với một lá thư ngỏ. “Vì bóng đá, theo tôi chỉ nên là phép cộng của những bàn tay đóng góp chứ không nên là phép trừ từ những khác biệt quan điểm của những người cùng mục đích” – bầu Tú viết như vậy ở cuối bài của mình, những dòng có thể xem là rút ra từ “gan ruột”!
Vâng, vấn đề nằm ở chính chỗ này. Ban trù bị Đại hội VFF, mà cụ thể hơn là bộ phận về nhân sự có vẻ đã không “nhạy” và thiếu chặt chẽ khi “bỏ sót” tên ông Đức trong danh sách đề cử. Cách xử lý khủng hoảng truyền thông của họ có vẻ cũng chưa được tốt với nội dung trả lời đại loại rằng “đã hỏi ý kiến HAGL và được biết ông Đức không tham gia BCH khóa mới nên không đưa tên ông vào”. Chuyện sẽ rất đơn giản đúng như vậy (quyết định không tham gia thì đưa vào danh sách để làm gì?), nhưng lại trở thành phức tạp khi người trong cuộc quyết bắt bẻ để giành cái LÝ về mình.
Nếu bầu Đức bỏ bóng đá, thì HAGL có thể tan rã, một “lò đào tạo” kiểu mẫu sụp đổ. Nếu bầu Tú rút lui thì chiếc ghế PCT phụ trách tài chính của khóa 8 cũng có thể tạm thời bị bỏ trống. Vâng, nếu các ông đều cứ mải giữ cái LÝ của cá nhân mình mà không nghĩ tới cái chung thì xét cho cùng, vụ việc có theo chiều hướng nào thì bóng đá Việt Nam đều sẽ không được lợi (nếu không nói là còn thiệt hại).
Cần lắm một cái nhìn đầy đủ, trọn vẹn giữa các bên liên quan, vì rõ ràng, cả ông Đức, ông Tú… đều là những người đã và đang có nhiều đóng góp cho nền bóng đá này, bằng cả tâm, trí và tiền bạc của chính mình (chắc chắn không “diễn văn tranh cử” nào thuyết phục bằng những đóng góp thực tế ấy). Nếu họ bắt tay nhau - nói một cách hình ảnh như ông Tú là một “phép cộng” - thì bóng đá được lợi, và ngược lại!
Hẳn nhiên, họ cũng khác rất xa những kẻ nào đó chưa hề đường hoàng bước vào tranh cử mà đã và đang chỉ âm thầm “núp bóng”, chơi trò “giật dây”, khích bác, “ném đá giấu tay” gây mất đoàn kết nội bộ vì những động cơ không trong sáng!