Vì sao Hoàng Thịnh phải chịu toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Hùng Dũng?
Mức phạt dành cho Hoàng Thịnh được Ban Kỷ luật VFF đưa ra theo điều 39, Quy chế Kỷ luật của LĐBĐ Việt Nam (VFF) sửa đổi bổ sung năm 2021.
Điều 39: Hành vi xâm phạm thân thể
1. Người nào có hành vi nhằm sử dụng vũ lực, phạm lỗi nghiêm trọng hoặc cố tình xâm phạm thân thể người khác thì bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và bị đình chỉ thi đấu, làm nhiệm vụ từ 02 trận đến 05 trận.
2. Bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và bị đình chỉ thi đấu, làm nhiệm vụ từ 05 trận đến 08 trận trong các trường hợp sau:
a) Vi phạm nhiều lần đối với 01 người hoặc đối với nhiều người;
b) Vi phạm đối với quan chức, quan chức trận đấu;
c) Gây thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, thân thể người khác.
3. Xâm phạm thân thể trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt từ 40.000.000 đồng và bị đình chỉ tham gia hoạt động bóng đá đến 24 tháng hoặc bị cấm tham gia hoạt động bóng đá có thời hạn hoặc không có thời hạn.
4. Người vi phạm phải chịu các chi phí hợp lý cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra, mức chi phí được quy định cụ thể như sau:
a) Không vượt quá 15 tháng lương của người vi phạm theo hợp đồng lao động ký với CLB, đội bóng chủ quản tại thời điểm vi phạm;
b) Không vượt quá 50.000.000 đồng đối với trường hợp người vi phạm là cầu thủ đào tạo, tập nghề. Trong trường hợp này, chi phí sẽ do CLB/ đội bóng đang sử dụng, quản lý cầu thủ tại thời điểm vi phạm chi trả. Việc bồi hoàn của cầu thủ đối với CLB/ đội bóng do hai bên thỏa thuận.
5. Những vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này sẽ được xem xét, kết hợp với điểm b khoản 7 Điều 2 của văn bản này.
Tình huống phạm lỗi của Hoàng Thịnh được Ban kỷ luật VFF nhận định "xâm phạm thân thể trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng". Do vậy tiền vệ gốc Nghệ An bị phạt 40 triệu đồng, cấm thi đấu hết năm và chịu toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương của Hùng Dũng (không vượt quá 15 tháng lương theo hợp đồng lao động ký với CLB, đội bóng chủ quản tại thời điểm vi phạm).
Mặc dù án phạt dành cho Hoàng Thịnh được áp theo Quy chế về Kỷ luật của VFF, sửa đổi bổ sung năm 2021 nhưng vẫn có câu hỏi đặt ra là tại sao cầu thủ vi phạm phải chịu toàn bộ chi phí và liệu có hợp tình, hợp lý?
Năm 2015, vụ Quế Ngọc Hải phạm lỗi khiến Anh Khoa chấn thương nặng cũng từng gây tranh cãi về quy định cầu thủ vi phạm chịu "toàn bộ chi phí" chữa trị. Tại sao không phải CLB hoặc CLB của cầu thủ dính chấn thương chi trả?
Thời điểm đó, trả lời Thể thao 24h, Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường cho biết:
"Những Quy định kỷ luật của VFF được xây dựng và đóng góp bởi các luật sư, tất cả các CLB và các thành viên trong BCH VFF. Ban Kỷ luật chúng tôi chỉ là “trọng tài của trọng tài”, nghĩa là kiểm tra, giám sát và hướng dẫn họ chơi đúng với luật do mình tạo ra.
"Nhiều người cũng đề cập và nói đây là án phạt không giống ai và có “một không hai” trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn đi cũng phải nhìn lại, VFF hoạt động theo FIFA nhưng mỗi nước thành viên đều có quy định riêng để phù hợp với xã hội và nền bóng đá nước đó. Mọi người còn nhớ, trước đây Ban Kỷ luật cũng xử Công Vinh nghỉ 6 trận vì vái lạy trọng tài. Cái này trên thế giới làm gì có nhưng chúng tôi vẫn áp dụng và xử phạt, nên nay thì không còn cầu thủ nào dám vái lạy trọng tài nữa.
"Còn với vụ Quế Ngọc Hải, chúng tôi cũng không sai gì khi áp dụng những điều khoản trong Quy định kỷ luật. Để mọi người có thể dễ hình dung hơn, tôi ví dụ như thế này: Một người tham gia giao thông nếu va chạm khiến người khác bị chấn thương, chắc chắn phải có trách nhiệm đưa người ta đi cấp cứu chữa trị. Và nếu đó là tình huống va chạm đúng luật thì không sao nhưng sai luật, chắc chắn anh phải đền tiền và khả năng còn đi tù.
"Chưa kể nếu đó là lao động chính trong gia đình, khi thiệt mạng hoặc mất khả năng lao động, người gây ra tai nạn còn phải chăm sóc con của người bị hại đến khi đủ 18 tuổi.
"Khi Ban Kỷ luật đưa ra Quy định luật này, nhiều CLB cũng rất tán thành, họ cho rằng cầu thủ làm cầu thủ phải chịu, chứ không thể bắt đội bóng chịu thay. Vì thế ngay cả trong hợp đồng ký kết, bản thân CLB đã ghi rất rõ các điều khoản này. Bởi thực tế ở Việt Nam đã có nhiều trường hợp, 1 cầu thủ muốn đi khỏi đội bóng nên đá láo, đá bậy để phá hợp đồng. Vậy nên, nếu Ban kỷ luật không đưa thêm điều khoản “ai làm người đó chịu” thì các CLB lại là người bị thiệt".
Bất cập lớn nhất trong án phạt Quế Ngọc Hải là cầu thủ này phải "chịu toàn bộ chi phí". Tranh cãi đã nổ ra, khi mà điều khoản "toàn bộ chi phí" gây ra sự mơ hồ không chỉ rõ Hải Quế phải chịu chi phí chữa trị cho Anh Khoa bao nhiêu, đến bao giờ...? Sự việc khép lại bằng số tiền 830 triệu đồng được Quế Ngọc Hải, với sự hỗ trợ tài chính của bầu Đức, chi trả cho quá trình chữa trị của Anh Khoa.
Vụ Quế Ngọc Hải giống như "án điểm" đối với cả VFF về câu chữ trong điều khoản Quy định về Kỷ luật. Ở bản sửa đổi, bổ sung, điều 39 đã được thêm "Không vượt quá 15 tháng lương của người vi phạm theo hợp đồng lao động ký với CLB, đội bóng chủ quản tại thời điểm vi phạm".
Tuy nhiên, vẫn còn những thắc mắc nhìn từ án phạt đối với Hoàng Thịnh. Căn cứ vào đâu để Ban kỷ luật VFF đưa ra con số 15 tháng lương; và nếu như Hùng Dũng đã được mua bảo hiểm thì cầu thủ Hà Nội FC được hưởng số tiền đó hay cấn trừ vào chi phí chấn thương Hoàng Thịnh phải chi trả?