Việt Nam đồng đăng cai World Cup 2034: Liệu có khả thi?
Theo đó, ý tưởng này khởi phát từ chuyến thăm của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đến Myanmar vào năm 2017. Lúc đó, FIFA đã tính đến phương án nâng số đội tham dự lên 48 đội.
Vào chiều nay (12/4), Tổng cục TDTT có buổi làm việc với đại diện Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để bàn về kế hoạch cùng các nước trong khối ASEAN chạy đua đăng cai World Cup 2034.
Tuy vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, ngành thể thao cần thêm thông tin để tham mưu lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và Chính phủ. Thực tế, việc chạy đua đăng cai World Cup 2034 chỉ dừng lại ở ý tưởng, chưa có kế hoạch cụ thể.
Vấn đề quan trọng để đáp ứng yêu cầu của FIFA là cơ sở hạ tầng, trong đó sân vận động được chú trọng lên hàng đầu. Để đăng cai 1-2 bảng đấu của World Cup, nước đó phải có sân vận động hiện đại, cơ sở vật chất đảm bảo, hạ tầng giao thông tốt...
Hiện tại, Việt Nam mới có sân Mỹ Đình với sức chứa 40.000 chỗ ngồi, là địa điểm chính tổ chức các trận đấu quốc tế. Tuy vậy, các hạng mục của sân Mỹ Đình chưa được đánh giá quá cao, có thể đáp ứng tiêu chí tổ chức các trận đấu ở World Cup.
Một lãnh đạo VFF cho hay, khả năng để FIFA chấp thuận từ 3 nước trở lên cùng đăng cai World Cup là khá thấp. Bởi vấn đề này không hề đơn giản. Ngoài cơ sở hạ tầng, sân bãi, vấn đề chuyên môn cũng là điều cần tính đến.
World Cup 2026 là lần đầu tiên có 3 nước đồng đăng cai. Đó là Mỹ, Canada và Mexico. Ngoài vấn đề các tiêu chí cơ sở hạ tầng, sân bãi, cả ba nước này đều ít nhất hai lần tham dự sân chơi World Cup. Trong đó, Mỹ và Mexico là những gương mặt quen thuộc.
Trong khi đó, các nước ở Đông Nam Á chưa một lần hiên ngang bước vào vòng chung kết của một kỳ World Cup. Ngoại trừ Indonesia giành vé vớt cách đây gần... 100 năm.
Tuy vậy, người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á vẫn mơ về kết quả tốt đẹp. Dự kiến, vào tháng 6, ASEAN sẽ có cuộc họp về kế hoạch trên. Song, VFF đánh giá, ý tưởng này mang lại sự hứng khởi nhưng sẽ rất khó triển khai dựa trên điều kiện thực tế.