VPF vẫn “xuôi chèo mát mái”, hà cớ gì bầu Tú phải rút?
Bầu Tú vẫn đang điều hành VPF hoạt động theo đúng nguyên tắc dựa trên điều lệ Cty đã ban hành năm 2011. Vậy, hà cớ gì ông phải rút?
>>> Bầu Tú thắc mắc: Tôi không hiểu vì sao mình bị "đánh"
>>> HĐQT VPF không đồng ý cho bầu Tú rút khỏi vị trí Tổng Giám đốc
1. Tại chương trình Gặp gỡ báo chí định kỳ lần I các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia 2018, ông Trần Anh Tú nói về việc kiêm nhiệm nhiều vị trí trong đó có làm Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ và Trưởng ban điều hành như sau: “Tôi không có ý định từ bỏ vị trí TGĐ. Việc tôi được bầu làm Chủ tịch HĐQT là được sự chấp thuận từ 8 ủy viên trong Hội đồng. 8 ủy viên đại diện cho các cổ đông VPF đã tín nhiệm, giao trách nhiệm. Nếu tôi không làm tức là phụ lòng của những người đã bầu mình”.
Theo ông Tú, ông đã gửi lời đề nghị xin rút khỏi vị trí TGĐ nhưng HĐQT không chấp thuận yêu cầu này. Phó chủ tịch VPF, Trần Mạnh Hùng lý giải: “Anh Tú đã xin rút khỏi vị trí Tổng Giám đốc. Đó không phải sức ép mà là đi theo lộ trình. HĐQT đã vận động anh Tú nhận chức này”.
“Chúng tôi không thấy tại sao anh Tú phải rút. Không sai gì thì sao phải xin rút. Nếu rút, dư luận xã hội sẽ lật lại là tại sao anh rút, có chuyện gì ở đằng sau chuyện này không? HĐQT là những người thay mặt Hội đồng cổ đông và đó là quyết định của chúng tôi”, ông Hùng nói thêm.
Theo Điều lệ ban hành ngay lúc thành lập công ty vào năm 2011, những chức vụ mà ông Tú nắm giữ đều phù hợp. Tại Khoản 1 Điều 39 Điều lệ Cty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nêu rõ, Hội đồng Quản trị bầu Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Chủ tịch được bầu trong số các thành viên Hội đồng Quản trị. Chủ tịch HĐQT có thể kiêm Tổng Giám đốc Công ty.
Để miễn nhiệm, bãi nhiệm và bổ sung thành viên HĐQT, cũng phải dựa trên những yếu tố đã được nêu ra ở Khoản 1 và 2 Điều 43. Đó là không tham gia các hoạt động của HĐQT trong sáu tháng liên tục, có đơn xin từ chức hoặc thành viên HĐQT có thể bị miễn nhiệm bất cứ lúc nào theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Điều 51 về quy định bổ nhiệm, miễn nhiệm TGĐ có nêu, HĐQT bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm TGĐ. Khoản 2 Điều 53 cũng ghi, thù lao và tiền lương của TGĐ và người quản lý khác được tính vào các chi phí kinh doanh của Công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và phải được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của Công ty, phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
2. Ngày 3/12/2017, tại Đại hội cổ đông thường niên Công ty VPF, ông Trần Anh Tú được bầu vào chức danh Chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ 2017-2020 sau khi ông Võ Quốc Thắng xin rút lui. Trong 4 tháng điều hành, VPF vẫn đang hoạt động ổn, nhìn từ các góc độ bề nổi. Đó là chất lượng hình ảnh giải đấu, tài trợ, công tác truyền thông được chú trọng, số lượng khán giả đến sân tăng đột biến...
Kết thúc mùa giải 2017, VPF chia tay cả 3 nhà tài trợ tại 3 giải đấu hàng đầu cấp CLB trong nước. Trước thềm mùa giải 2018 khởi tranh, VPF vẫn đảm bảo tìm được ba nhà tài trợ cho ba giải đấu. Đó là Nutifood (V.League), An Cường (Hạng Nhất) và Sư tử trắng (Cúp QG). Số tiền mà VPF thu về cũng không nhỏ hơn so với mùa giải 2017.
VPF cũng đã “can thiệp” sâu vào công tác trọng tài, vấn đề nhức nhối ở hai mùa giải trước. Ông Tú cho hay: “Tất cả phân công trọng tài, VPF đều có phản hồi từng chi tiết. Chẳng hạn, trường hợp trọng tài Hoàng Ngọc Hà bắt hai trận liền của FLC Thanh Hóa, tôi cũng có ý kiến ngay như thế rất dễ xảy ra nhạy cảm. Công tác an ninh đã được các đội bóng rút kinh nghiệm nhiều hơn so với trước”.
Những sai lầm của đội ngũ trọng tài cũng giảm đi đáng kể so với mùa giải trước. Tình trạng bạo lực đã giảm theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt, số lượng khán giả có chiều hướng tăng. Sau 4 vòng đầu tiên V.League 2018, có trung bình hơn 10.000 khán giả/trận. Con số này ở V.League 2017 chỉ rơi vào 5.600 người/trận. Số lượng khản giả cùng kỳ ở V.League 2016 và V.League 2015 lần lượt là 8.500 người/trận và 8.000 người/trận.