Cầu thủ bóng rổ Campuchia chỉ trích đội nhà sau tấm HCV SEA Games 32 lịch sử
Nếu như chức vô địch bóng rổ 3x3 SEA Games 32 ở nội dung nữ là thành quả xứng đáng của các cô gái Việt Nam, thì ở chiều ngược lại nội dung nam đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về chức vô địch của Campuchia.
Đội chủ nhà đánh bại Philippines và lên ngôi vô địch với 3/4 cầu thủ nhập tịch, ngoại trừ Chhorath Tep từng thi đấu ở Hà Nội vào năm ngoái (nội dung 5x5), 3 cái tên còn lại đều có màn chào sân với đấu trường SEA Games. Nhưng khác với định nghĩa tân binh thông thường, họ đều là những cái tên máu mặt tung hoành các giải đấu trên khắp thế giới.
Việc sử dụng các cầu thủ nhập tịch khiến rất nhiều người hâm mộ bóng rổ nước chủ nhà bức xúc, khi những VĐV mang dòng máu Campuchia không có cơ hội thi đấu. Bản thân những người trong cuộc cũng lên tiếng về vấn đề này:
"Tôi sinh ra ở Campuchia, các chú và gia đình tôi chơi bóng rổ ở Campuchia trước cuộc nội chiến. Trái tim và linh hồn tôi hướng về bóng rổ, tôi đã yêu cầu được tham gia SEA Games 32 nhưng bị từ chối. Tôi muốn trở thành HLV, trợ lý, VĐV hay xách nước cũng được nhưng tôi vẫn không được chấp nhận.
Thực tế là tôi không được xem những cầu thủ có dòng máu hay niềm tự hào Campuchia thi đấu tại SEA Games, điều đó thật đáng thất vọng. Thà thua còn hơn giảm bớt cơ hội của các cầu thủ mang trong mình dòng máu Campuchia, đối với nhiều người trong số họ việc được thi đấu SEA Games giống như giấc mơ cả đời.
Ai cũng thích chiến thắng, nhưng chiến thắng như thế nào? Nếu các quốc gia khác muốn sử dụng cầu thủ nhập tịch, tại sao chúng ta phải giống họ? SEA Games là Đại hội thể thao dành cho nhân dân các quốc gia Đông Nam Á cơ mà, đây là đội tuyển quốc gia Campuchia ư? Nó giống như việc Giannis Antetokounmpo chơi cho Mỹ, đâu phải anh ta là người Hy Lạp.
Tôi không biết những người làm bóng rổ Campuchia đang muốn gì nữa, SEA Games 32 là cơ hội để các cầu thủ mang dòng máu Campuchia cống hiến cho đất nước, nhưng bây giờ có ít nhất 6 vị trí đã bị các cầu thủ nhập tịch lấy đi, xin hãy nhớ rằng chiến thắng không phải là điều quan trọng nhất", Boramey Joshua Bo Noung chia sẻ trên Facebook cá nhân.
HLV/cầu thủ người Campuchia 43 tuổi đang theo đuổi công tác huấn luyện bóng rổ chuyên nghiệp tại Mỹ vẫn đau đáu nỗ lực phát triển trái bóng cam tại quê nhà, tuy nhiên việc bóng rổ Campuchia sử dụng tới 6 cầu thủ nhập tịch (3 nam, 3 nữ) tại SEA Games 32 khiến cho những cầu thủ như Bo Noung nản lòng.
Ý kiến của anh cũng nhận được sự đồng tình rất lớn của người yêu bóng rổ Campuchia nói riêng và NHM Đông Nam Á nói chung. Dự kiến nội dung 5x5 diễn ra tiếp theo đây, Campuchia sẽ tiếp tục phủ sóng cầu thủ nhập tịch với quyết tâm bá chủ khu vực.