Gian nan bóng rổ học đường Hải Phòng: Nhiệt huyết như phượng đỏ, sân chơi lạnh như băng!
Bóng rổ học đường Hải Phòng: Ngày càng phát triển mạnh
Khi nói về những địa phương có phong trào bóng rổ mạnh trên cả nước, rõ ràng Hải Phòng không phải là cái tên thường xuất hiện trong suy nghĩ của nhiều người. Thành phố Hoa Phượng Đỏ không có đội bóng tham dự các giải Vô địch Quốc gia, Giải trẻ quốc gia và cũng gần như không để lại dấu ấn các giải đấu cấp độ Hội Khỏe Phù Đổng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng phong trào bóng rổ nơi đây đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh - sinh viên. Vào năm 2019, Đại học Hàng Hải đoạt vé vào Tứ kết Giải Sinh viên Toàn quốc, trong khi phong trào của lứa cầu thủ cấp Trung học cũng rất phát triển.
Hầu hết tất cả các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn Thành phố Hải Phòng đều đã có sân bóng rổ và tổ chức các câu lạc bộ riêng. Các bạn trẻ ở đây ngày càng tiếp cận bóng rổ sớm hơn và đã có những đội bóng ở lứa tuổi U15. Nhiều tài năng trẻ còn theo học cấp Trung học Cơ sở đã được các đơn vị chuyên nghiệp để ý và ký hợp đồng.
Bóng rổ học đường Hải Phòng đang ngày càng phát triển và chỉ cần một "mồi lửa" để có thể bùng lên mạnh mẽ. Đáng tiếc là sự chờ đợi đã kéo dài trong rất nhiều năm mà vẫn chưa nhận được sự hồi đáp
Thiếu thốn sân chơi
Giới baller Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh đã quen thuộc với thể thức khắc nghiệt "Tập 1 năm, đấu 1 trận" của giải học sinh Thành phố. Tuy vậy, sự "khắc nghiệt" ấy là điều mà giới bóng rổ học sinh tại Hải Phòng đã chờ đợi từ rất lâu.
Tại Thành phố Hải Phòng, hoàn toàn không có khái niệm Giải Bóng rổ Học sinh Thành phố. Không phải 1 năm, 2 năm, mà phải tới 4 năm mới có một giải đấu dành cho lứa tuổi học sinh, với mục tiêu tìm kiếm các vận động viên tham dự Hội Khỏe Phù Đổng. Và cái cách những người có trách nhiệm tổ chức giải đấu ấy đem lại cảm giác khó hiểu.
Năm 2016, Giải bóng rổ Thành phố Hải Phòng được tổ chức với chỉ vỏn vẹn ... 2 đội bóng tham dự nội dung Trung học Cơ sở. 2 đội bóng này thi đấu 2 trận lượt đi và về và giải đấu diễn ra một cách chóng vánh.
Từ 2 trận đấu ấy, HLV Lê Hà Anh phải chọn ra 12 cái tên tham dự Hội Khỏe Phù Đổng khu vực II 2016. Chị gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển chọn nhân sự và không ngạc nhiên khi tuyển Hải Phòng để thua cả hai trận vòng bảng.
"Chúng tôi chỉ có 2 tuần chuẩn bị, mà một nửa đội bóng vừa mới tập bóng rổ bài bản được 1 tháng. Rất khó để chúng tôi làm được một cái gì đó", HLV Hà Anh chia sẻ.
Sau 4 năm, Hải Phòng tổ chức giải đấu học sinh tiếp theo. Lần này, giải đấu giới hạn lứa tuổi từ 15-18, tương đương với các học sinh Trung học Phổ thông. Tuy nhiên, điều lệ giải chỉ được gửi đi trước khi giải đấu diễn ra có ... 2 tuần. Trong vòng 14 ngày ngắn ngủi, nhiều trường chưa kịp nhận được điều lệ, chưa kịp lên danh sách thi đấu thì giải đấu đã họp kỹ thuật, bốc thăm xong xuôi.
Kỳ lạ ở chỗ là dù chỉ có vỏn vẹn 7 đội tham dự, nhưng Giải đấu vẫn diễn ra theo thể thức ... loại trực tiếp. 1 đội được đặc cách vào thẳng Bán kết, 6 đội bóng chia làm 3 cặp đọ sức với nhau để tranh tấm vé đi tiếp. Giải đấu diễn ra chóng vánh chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, chưa kịp tạo ra không khí thì đã kết thúc. Nhiều đội bóng bị loại ngay sau trận đầu tiên, và đó cũng là trận đấu cuối cùng của rất nhiều học sinh, vì giải đấu tiếp theo sẽ diễn ra sau 4 năm nữa, khi các em đã tốt nghiệp Trung học.
Chốt chặn cơ chế
Những giải đấu diễn ra với tinh thần tổ chức "cho có" đã và đang kìm hãm sự phát triển của bóng rổ Hải Phòng. Ngày càng nhiều trung tâm lớp học bóng rổ được mở ra tại Thành phố Hoa Phượng Đỏ, nhưng hầu hết chỉ nhộn nhịp vào mùa hè. Một số trung tâm bóng rổ tại Hà Nội có mong muốn mở rộng địa bàn tại Hải Phòng, nhưng rốt cuộc cũng bó tay chịu trận.
"Không có các giải đấu, các em học sinh không có mục tiêu để theo đuổi môn thể thao này. Các phụ huynh cũng chỉ coi bóng rổ là một hoạt động ngoại khóa vào mùa hè cho con cái, bên cạnh các môn thể thao khác", HLV Lê Hà Anh nhận định.
Đã có đơn vị đứng lên xin đăng cai, tổ chức giải đấu hàng năm cho lứa tuổi học sinh tại Hải Phòng, nhưng cho tới nay vẫn chưa được chấp thuận. Đơn vị này tiết lộ rằng có quá nhiều thủ tục và không nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp có trách nhiệm.
Hiện đã có một số sân chơi cho các lứa tuổi từ U12, U15, U18 cho tới U23 do các đơn vị tư nhân tổ chức, nhưng hầu hết các giải đấu đều diễn ra ngắn ngày trong mùa hè với quy mô hạn chế, do mức đầu tư cũng có hạn.
Sự khó khăn của cơ chế khiến rất nhiều lứa học sinh Hải Phòng không có sân chơi để cọ xát, giao lưu. Ngày càng nhiều bạn trẻ tại Thành phố đến làm quen với trái bóng cam, nhưng họ không được tạo điều kiện để nuôi dưỡng niềm đam mê qua năm tháng.
Tại Hải Phòng có chủ trương mỗi phương xây dựng một công viên. Để theo đuổi chủ trương này, một số phường đã san ủi các sân chơi thể thao nói chung và bóng rổ nói riêng để làm vườn hoa, trồng cây xanh. Có lẽ cái ngày bóng rổ học đường bị chôn vùi hoàn toàn ở Thành Phố Hoa Phượng Đỏ cũng không còn quá xa.
Ảnh: Minh Hiếu