Bùng nổ lượng trung tâm, học viện bóng rổ trên cả nước: Tích cực và tiêu cực ra sao?
Không cần tốn nhiều thời gian để tìm ra một trung tâm, học việc hay các Training Camp về bóng rổ, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng.
Bên cạnh số lượng khá nhiều, sự đa dạng của mô hình tư nhân đặc biệt xoay quanh trái bóng cam này cũng rất lớn.
Có những trung tâm hoặc học viện được đầu tư bài bản với quy mô lớn (hàng nghìn học viên), sở hữu dàn HLV chất lượng đi kèm những chương trình học sáng tạo, thậm chí vượt ra ngoài phạm vi sân bóng như hoạt động ngoại khóa, dã ngoại, dạy ngoại ngữ….
Cũng có những hội và nhóm nhỏ hơn với số lượng học viên không cao (dưới 50 học viên), được dẫn đầu bởi một hoặc hai cá nhân là cầu thủ, cựu cầu thủ thi đấu ở đẳng cấp vô địch quốc gia, VBA hay những ngoại binh sinh sống lâu dài tại Việt Nam.
Sự bùng nổ về số lượng thường mang đến nhiều điểm tích cực, đặc biệt là cơ hội tiếp cận với bóng rổ cho người chơi mới.
Nhưng vì phần lớn học viên đến với các trung tâm đều là những “trang giấy trắng” về bóng rổ (bên cạnh nhóm nhỏ VĐV nhí muốn tập luyện chuyên sâu), những dấu hỏi về chất lượng đào tạo sẽ xuất hiện.
Bước sang năm 2022 với lượng học viện, trung tâm bóng rổ xuất hiện ngày một nhiều hơn, Webthethao đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Việt Đức, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam để hiểu rõ hơn về mặt tích cực cũng như những dấu hỏi xoay quanh xu hướng này.
NHIỀU GIÁ TRỊ TÍCH CỰC XUẤT HIỆN
Ông Lê Việt Đức cho rằng nhờ là mô hình kinh doanh tư nhân xoay quanh bóng rổ, các trung tâm, học viện hay các hội nhóm tập cùng HLV bùng nổ về số lượng mở ra rất nhiều cơ hội mới.
Đầu tiên, những người muốn tiếp cận với bóng rổ ở mọi cấp độ sẽ có thêm lựa chọn để học, tập luyện và trau dồi kỹ năng cho mình bằng một mô hình mới hơn, hiện đại hơn.
Từ trước đến nay, các bậc phụ huynh thường cho con em họ tiếp cận với bóng rổ qua trường học hoặc ở các nhà thiếu nhi, trung tâm thanh thiếu niên tại các địa phương.
Ở lượng người chơi có nhu cầu cao hơn, họ sẽ tập luyện thành các đội, nhóm hoặc sinh hoạt ở các CLB. Số ít VĐV có tiềm năng sẽ góp mặt ở hệ thống đội tuyển (theo lứa tuổi hoặc đội chính thức).
Giờ đây, tất cả sẽ có thêm lựa chọn thông qua mô hình trung tâm, học viên bóng rổ hoặc các Training Camp được tổ chức riêng lẻ, thậm chí là hình thức một kèm một.
Nhiều đơn vị sẽ dạy bóng rổ, song song đó tìm kiếm những cầu thủ có tiềm năng và chất lượng chuyên môn cao để tạo nên một đội bóng của riêng họ, đăng ký thi đấu ở các giải bóng rổ học đường hoặc bóng rổ phong trào.
Một số ví dụ có thể kể đến như Học viện Giáo dục Thể thao Hoa Kỳ ASA (Hà Nội), Italy Sport (Nghệ An), Danang Basketball Development Centre (Đà Nẵng), CLB Poseidon Ninh Thuận hay Học viện bóng rổ YourLife, Trung tâm SSA, CLB In ‘n Out Basketball (Tp.Hồ Chí Minh) đều có những đội bóng riêng ở một số lứa tuổi.
Vài trung tâm còn đầu tư tổ chức những giải đấu nội bộ để tạo cơ hội cho các học viên cọ xát lẫn nhau, đánh giá quá trình phát triển kỹ năng qua thời gian dài tập luyện. Một số đơn vị còn sáng tạo hơn, mở ra những chương trình đặc biệt như dã ngoại, hoạt động ngoại khóa, hỗ trợ phát triển hướng theo VĐV chuyên nghiệp ở lứa tuổi học sinh… để thu hút thêm học viên mới thay vì mô hình dạy bóng rổ truyền thống.
Gần đây, hai trung tâm nổi tiếng ở hai đầu cầu đất nước đã có những ký kết hợp tác thú vị. Học viện ASA đã chính thức bắt tay cùng CLB Thang Long Warriors để lập nên chương trình đào tạo trẻ, hứa hẹn cung cấp VĐV cho đội bóng dự VBA trong tương lai.
Còn tại TP.Hồ Chí Minh, học viện YourLife đã ký kết cùng một đơn vị hàng đầu về tổ chức sự kiện bóng rổ là EazyBall, hứa hẹn mang đến rất nhiều sân chơi, giải đấu mới cho các học viên cũng như VĐV ở nhiều lứa tuổi trên địa bàn thành phố.
Các trung tâm, học viên, CLB càng đa dạng về hình thức đào tạo, càng cạnh tranh thì người có nhu cầu học hoặc cho con em học bóng rổ sẽ càng có nhiều lựa chọn hơn.
Điều tích cực thứ hai được Phó Tổng thư ký VBF chia sẻ là mở ra cơ hội việc làm cho các cầu thủ, kéo dài tuổi nghề cho những VĐV bóng rổ chuyên nghiệp.
Sau khi thi đấu nhiều năm ở các giải đấu vô địch quốc gia hay các hệ thống giải phong trào, đội mạnh tại nhiều địa phương, những cầu thủ qua thời đỉnh cao sẽ dần đối diện với gánh nặng về tuổi tác.
Thể chất đi xuống đồng thời được lứa kế cận đi lên, các VĐV này sẽ dần ít cơ hội tìm kiếm thu nhập từ bóng rổ hơn.
Nhưng với sự xuất hiện của các trung tâm, học viện và CLB, ông Lê Việt Đức cho rằng những cựu cầu thủ, HLV này sẽ “có thêm cơ hội việc làm để tiếp tục sống cùng bóng rổ. Họ vẫn được làm nghề và sống với nghề bên cạnh công việc thường ngày của họ”.
Nhóm cầu thủ này thường được đánh giá cao nhờ có nhiều kinh nghiệm thi đấu song song với kiến thức bóng rổ cơ bản. Nhờ đó, lượng kiến thức họ truyền đạt cho các học viên sẽ sâu hơn.
“Ví dụ như một học viện tại TP.HCM, họ đầu tư và sử dụng đội ngũ huấn luyện viên là những cựu cầu thủ có rất nhiều năm kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao của Liên đoàn Bóng rổ TP.Hồ Chí Minh. Họ là những cái tên kỳ cựu đã từng thi đấu và huấn luyện ở giải vô địch quốc gia lẫn các giải trong hệ thống của Liên đoàn thành phố.
Chất lượng và kinh nghiệm thực tiễn của các HLV trong quá trình thi đấu hoặc làm công tác huấn luyện ở những giải đỉnh cao sẽ đưa họ đến gần với học viên hơn, chia sẻ lại những kiến thức bổ ích đồng hành với hệ thống bài tập thường thấy”.
NỖI LO VỀ CHẤT LƯỢNG
Tồn tại cùng những điểm nhấn tích cực, nỗi lo về chất lượng đào tạo là điều khiến nhiều người lưu tâm, đặc biệt là với phụ huynh khi gửi con em của họ vào các trung tâm, học viện hay các đội nhóm.
Phương án dạy và học của mỗi trung tâm đều khác nhau như một hình thức cạnh tranh giữa các đơn vị, do đó việc kiểm soát chất lượng là một bài toán không đơn giản.
Chia sẻ về điều này, đại diện VBF cho rằng “hiện nay các học viện và trung tâm mở ra rất nhiều, đi theo đó là số lượng học viên hay các đội nhóm tham gia học, tập luyện khá lớn.
Con số này qua từng năm đều phát triển rất nhanh và ấn tượng, chứng tỏ số lượng người muốn chơi bóng rổ tăng lên. Nhu cầu được học bóng rổ của học viên cũng như sự quan tâm của bậc phụ huynh đến bộ môn này đang rất cao, đặc biệt là trong môi trường bóng rổ học đường. Song song đó thì nhu cầu được tham gia vào các lớp học bóng rổ chất lượng, có HLV trình độ chuyên môn cao cũng không nhỏ.
Do vậy, trong giai đoạn sắp tới chúng ta cần phải đặt mục tiêu chuẩn hóa về mặt chuyên môn trên cơ sở kêu gọi sự hỗ trợ từ Liên đoàn Bóng rổ Thế giới (FIBA), đồng thời là những anh em, những người thầy trong ban chuyên môn của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam”.
Ông Lê Việt Đức nói thêm rằng do chưa có quy trình chuẩn hóa, sẽ không dễ để kiểm soát về chất lượng. Nhưng điều này có thể từng bước thực hiện, khởi đầu bằng việc các bên cần phải ngồi lại với nhau để họp bàn và chia sẻ.
Điều đầu tiên là nỗ lực chuẩn hóa một chương trình phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và những điều kiện đặc thù khác của Việt Nam, hướng đến việc tiếp cận xu hướng chiến thuật bóng rổ hiện đại trên thế giới.
“Khi các em được tiếp cận với bóng rổ sớm mà chúng ta có chương trình đào tạo càng bài bản và khoa học, mô hình phát triển cầu thủ bóng rổ sẽ tốt hơn, giúp chất lượng đầu vào để sàng lọc cho các lứa đội tuyển sẽ cao hơn nữa.
Theo dạng hình chóp, khi mức độ phổ biến của bóng rổ càng lớn thì lượng người chơi bóng rổ càng nhiều, từ đó đầu vào sàng lọc cho đội tuyển sẽ càng chất lượng”.
KẾT
Từ khi xuất hiện các giải đấu chuyên nghiệp theo mô hình thể thao kết hợp với giải trí, bóng rổ đã lan tỏa và tiếp cận đến một nhóm người chơi hoàn toàn mới.
Đặc biệt là với baller nhí ở lứa tuổi học đường, việc đào tạo cơ bản bước đầu sẽ cực kỳ quan trọng trong việc định hình và phát triển kỹ năng bóng rổ về lâu dài.
Sự bùng nổ của các trung tâm, học viện, hội nhóm dạy kỹ năng về bóng rổ là một tín hiệu tốt và mang lại rất nhiều giá trị tích cực. Nhưng nếu số lượng bứt lên quá nhanh so với chất lượng đào tạo và không được kiểm soát tốt, những điều tiêu cực mà nó có thể mang lại cũng sẽ nhiều không kèm.