Phẫn nộ hình ảnh úp và đu làm vỡ các bảng rổ công cộng: "Xin hãy bảo vệ sân chơi chung"
Xen lẫn vào sự háo hức của Tết Nguyên Đán Nhâm Dần đang cận kề, một thông tin kém vui đối với những người chơi bóng rổ, đặc biệt là ở khu vực Hà Nội đã xuất hiện.
Trong vòng chưa đầy 2 tháng, bảng rổ của một sân bóng An Dương đã bị làm vỡ đến hai lần, tạo làn sóng phản ứng tiêu cực trong cộng đồng bóng rổ phong trào Thủ Đô.
Người mê bóng rổ thường trầm trồ khi thấy những pha úp gãy rổ, khiến bảng rổ vỡ nát của những huyền thoại như Shaquille O'Neal tại NBA. Nhưng rõ ràng điều đó sẽ mang lại phản ứng cực kỳ trái ngược nếu nó xảy ra với sân chơi của chính mình.
Vào đầu tháng 12 năm 2021, một bảng rổ khác cũng thuộc cụm sân này đã bị vỡ nát và cứ mỗi lần chứng kiến hình ảnh này, cộng đồng người chơi đều tỏ ra vô cùng bất bình.
Trên Facebook, đại diện bên phía ban quản lý sân bóng rổ An Dương đã công khai đăng video từ camera giám sát, cho thấy hình ảnh phá hoại bảng rổ.
Cùng với đó, danh tính của người khiến bảng rổ vỡ nát cũng được đăng tải do có thái độ bất hợp tác với ban quản lý về công tác bồi thường. Đây được cho là một người nước ngoài, đang là giáo viên dạy tiếng Anh cho một trung tâm tại thành phố Hà Nội.
Qua video, anh đã đến sân vào lúc 7 giờ sáng để tập bóng rổ một mình (ban quản lý cho rằng đây là hành động trái phép vì sân An Dương không phải sân bóng rổ công cộng).
Trong một pha cố gắng úp rổ, anh đã khiến rổ bị gãy và bảng rổ nát thành nhiều mảnh (cũng là việc làm bị cấm theo quy định của sân).
Video được ông Phan Thanh Bình đăng tải để tố cáo hành vi phá hoại bảng rổ tại sân bóng An Dương
Điều đáng nói là vị giáo viên người nước ngoài này đã có thái độ không hợp tác khi được ban quản lý sân liên hệ để yêu cầu bồi thường.
Vì việc phá rổ không chỉ tồn tại ở đây mà còn là vấn đề nhức nhối của khá nhiều chủ sân trên cả nước, Webthethao sẽ không đi sâu hơn nữa vào câu chuyện tại An Dương.
Tuy nhiên, đây sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh về ý thức bảo vệ những sân chơi chung, điều vốn đã không có thừa nếu xét về bóng rổ phong trào trên cả nước.
Song song với sự phát triển rất mạnh của bóng rổ thời gian gần đây, nhiều sân bóng rổ trong nhà cũng như ngoài trời đã được đầu tư, xây mới nhằm nơi tổ chức các lớp học, ươm mầm đam mê cho các cầu thủ nhí.
Bên cạnh đó, những địa điểm này cũng mở ra thêm những sân chơi ở gần như mọi cấp độ cho những ai yêu thích trái bóng cam.
Nhưng nếu xét trên khía cạnh về lượng người chơi và sân bóng rổ, hầu hết các địa phương đều đang có mức cung còn khá ít so với nhu cầu. Chính vì điều này, ý thức bảo vệ các sân chơi chung càng phải nâng cao.
XIN HÃY NÂNG CAO Ý THỨC, BẢO VỆ SÂN CHƠI CHUNG
Tại một số sân bóng rổ, đặc biệt là các sân được xây mới trong nhiều năm trở lại đây, hệ thống camera giám sát luôn được lắp đặt vì nhiều lý do khác nhau, trong đó bao gồm việc bảo vệ tài sản.
Một sân bóng rổ không chỉ là tài sản có giá trị vật chất không hề nhỏ với các đơn vị chủ sân mà nó còn mang đến giá trị tinh thần vô giá cho rất nhiều người.
Có thể là nơi thỏa đam mê cho hàng trăm baller mỗi ngày, nếu vì một lý do nào đó mà sân không thể hoạt động, cầu thủ sẽ không có sân chơi để tập luyện hoặc thi đấu, đồng thời phía chủ sân cũng đạt được mục đích mà họ đề ra ban đầu.
Sân An Dương không phải sân bóng rổ công cộng và vị giáo viên nước ngoài kia có lẽ cũng chưa biết điều đó.
Nhưng sau vụ việc 2 bảng rổ bị vỡ trong chưa đầy 2 tháng này, các chủ sân công cộng thực thụ hoàn toàn có lý do để “thu mình lại", loại bỏ yếu tố công cộng ra khỏi sân bóng của họ.
Khi đó, lượng sân chơi vốn đã ít sẽ càng trở nên khó tiếp cận hơn, nhất là với những baller chưa có các hội, nhóm hay đội bóng để sinh hoạt thường xuyên.
Ở mọi khía cạnh trong cuộc sống, ý thức con người luôn là một yếu tố quan trọng để đảm bảo những giá trị tích cực được truyền tải. Thể thao cũng không phải ngoại lệ.
Có lẽ ngay từ thời điểm này, cộng đồng người chơi bóng rổ cần lan tỏa, tuyên truyền nâng cao ý thức của các baller khi tham gia các sân chơi công cộng và ngay cả những sân bóng có sự quản lý đặc biệt.
Vào cuối năm 2021, một vấn đề thú vị đã được đưa ra bởi một cầu thủ nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Anh bắt gặp các baller sử dụng thuốc lá điện tử trên sân dù ở cùng một bầu không khí là các em nhỏ đang đi học bóng rổ. Đây cũng là câu chuyện về ý thức nhưng nó không liên quan đến vật chất mà thay vào đó là tinh thần và cái chất của bóng rổ.
Với những hình ảnh không đẹp, các baller hãy hạn chế lan truyền, nhất là ở những nơi có nhiều trẻ em, những baller nhí vẫn còn làm quen với quả bóng cam ở độ tuổi rất nhỏ.
Ngoài ra, không nhất thiết phải xoay quanh câu chuyện úp rổ mà những hành động nhỏ hơn như thu gom rác, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ tài sản chung… cũng có thể giúp tạo nên một môi trường bóng rổ lành mạnh, tích cực và chất lượng hơn nữa.