Bóng rổ Philippines (phần 3): Giải chuyên nghiệp lâu đời thứ hai thế giới
Bóng rổ được sinh ra từ Mỹ, chính vì vậy mà mọi thứ liên quan đến môn thể thao này đều phát triển rất sớm ở nơi đó. Được thành lập vào năm 1946, NBA là giải bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới.
Và ít ai biết được rằng giải bóng rổ chuyên nghiệp có tuổi thọ cao thứ hai trên thế giới lại nằm ở một nước Đông Nam Á, đó là Philippines. Năm 1975, PBA (Philippine Basketball Association) chính thức được thành lập ở Philippines với 12 đội bóng tham dự.
Đây là giải bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên ở Châu Á và lâu đời thứ hai trên thế giới, sau NBA.
Cách quản lý và điều hành của PBA chịu sự ảnh hướng lớn từ NBA, tuy nhiên giải đấu này không hoàn toàn áp dụng mọi thứ. Ban điều hành PBA không áp dụng các quy tắc và luật lệ của NBA, mà thay vào đó là áp dụng bộ luật từ FIBA. Điều này giúp cho bóng rổ Philippines dễ dàng thi đấu hơn khi tham gia các hệ thống giải đấu của FIBA.
Cuộc cách mạng 1975
PBA bắt nguồn từ sự bất mãn của những đội bóng thuộc MICAA (Hiệp hội Thể thao Công nghiệp và Thương mại Manila), giải đấu chịu sự quản lý từ BAP (Hiệp hội bóng rổ Philippines). Những vận động viên ở MICAA khi đó chỉ được hưởng mức phụ cấp ít ỏi cùng điều kiện thi đấu vô cùng nghiệp dư.
Bản thân chủ sở hữu của MICAA cũng hết sức bất mãn với BAP. Gonzalo "Lito" Puyat, chủ tịch của BAP đã nhiều lần tự ý triệu tập những cầu thủ đang tham dự MICAA lên đội tuyển quốc gia mà không cần tham khảo ý kiến từ ban điều hành của giải đấu này.
Có tổng cộng 9 đội bóng đồng ý tham gia một giải đấu mới mang tên PBA. Leopoldo Prieto, HLV tuyển Philippines ở Olympic Melbourne 1956 được bổ nhiệm làm Ủy viên đầu tiên của PBA và chủ tịch Emerson Coseteng đội Mariwasa-Noritake được chọn làm Thống đốc giải đấu.
Trận đấu đầu tiên trong lịch sử Giải bóng rổ nhà nghề Philippines, PBA.
Trận đấu đầu tiên được tổ chức tại Nhà thi đấu Araneta Coliseum, ngày nay là Smart Araneta Coliseum giữa Mariwasa-Noritake và Concepcion Carrier.
10 năm đầu tiên của giải đấu chứng kiến sự thống trị của Crispa Redmanizers và Toyota Tamaraws với dàn hảo thủ như Robert Jaworski, Ramon Fernandez, Francis Arnaiz, Atoy Co, Bogs Adornado và Philip Cezar. Nhưng Tamaraws và Redmanizers lần lượt giải thể vào các năm 1983 và 184. Những cầu thủ đã thi đấu ở hai đội bóng này sau đó tản ra khoác áo những đội bóng còn lại.
San Miguel Beermen hiện đang là đội bóng vô địch nhiều nhất PBA với 25 lần lên ngôi, bỏ xa đội về nhì là Alaska Aces (14 chức vô địch). San Miguel Beermen cũng là đội bóng duy nhất tham dự đầy đủ các mùa giải của PBA trong lịch sử với 44 mùa giải.
Luồng gió mới
Năm 1985, PBA chính thức tổ chức sự kiện thường niên mang tên PBA Draft, có thể thức tương tự với NBA Draft ở Mỹ. Điều này vô hình chung giúp cho PBA trở nên phát triển hơn khi có thể sàng lọc được những cầu thủ chất lượng và giúp cân bằng giải đấu. Tuy nhiên không giống với hệ thống NBA Draft, những cầu thủ của PBA Draft lúc này không có nhiều cầu thủ sinh viên, mà đến từ mọi tầng lớp trong xã hội.
Năm 1989, FIBA đã đồng ý cho phép những cầu thủ chuyên nghiệp từ NBA và PBA tham dự các giải đấu quốc tế. Năm 1990, Philippines mang một đội hình gồm toàn những cầu thủ chuyên nghiệp đến ASIAD, nhưng chỉ giành được huy chương bạc sau khi để thua bá chủ bóng rổ Châu Á thời điểm đó là Trung Quốc.
Từ mùa giải 1999-2000, PBA phải nhận lấy chỉ trích gay gắt từ giới bóng rổ Philippines khi chấp nhận cho những cầu thủ Phi kiều trở về thi đấu như Asi Taulava, Danny Seigle và Eric Menk. Nhưng nếu chỉ đơn thuần là cho phép những cầu thủ Phi kiều thi đấu thì không có gì đáng nói. Vấn đề là việc cầu thủ nước ngoài làm đã giấy tờ giả để được công nhận là một Phi kiều xuất hiện ngày càng nhiều.
Asi Taulava, (áo tím) một cầu thủ Phi kiều, hiện vẫn còn thi đấu và là huyền thoại bóng rổ Philippines.
Sự xuất hiện của những cầu thủ Phi kiều (dĩ nhiên là giấy tờ hoàn toàn minh bạch) đã khiến cho một số giải đấu khác ra đời mang tên MBA (Hiệp hội bóng rổ Metropolitan) vào năm 1998 - những giải đấu chỉ cho phép sử dụng cầu thủ nội binh. Uy tín và tầm ảnh hưởng của PBA ở Philippines xuống tới mức thấp nhất chưa từng thấy. Nhưng may mắn thay...
MBA nhanh chóng tan rã sau vài năm do chất lượng cầu thủ kém dẫn đến mất nguồn tài trợ và không đủ kinh phí để duy trì. PBA đón nhận những đội bóng "mồ côi" từ MBA và tổ chức thi đấu sớm hơn kể từ năm 2004.
Việc thay đổi lịch thi đấu vô tình giúp cho PBA dễ dàng hơn trong việc liên kết với NCAA phiên bản Philippines. Ngày càng có nhiều cầu thủ sinh viên góp mặt ở giải đấu từ hệ thống PBA Draft. Cùng những chiến dịch quảng cáo hiệu quả, ngày càng nhiều ngôi sao trẻ góp mặt và sự phát triển của truyền hình đã đưa PBA hùng mạnh trở lại.
Ngày càng nhiều nhà tài trợ và các hợp đồng quảng cáo xuất hiện, bóng rổ ở Philippines giờ đây đã có thể là một nghề để đổi đời như ở Mỹ. Nhiều người trẻ có khả năng có thể yên tâm để gắn bó với bóng rổ với hy vọng được chọn vào PBA, qua đó vừa sống được với đam mê và có thể mang lại cuộc sống sung túc hơn.
Mùa giải 2014-15, PBA mở rộng giải đấu lên thành 12 đội, sau khi chấp thuận cho Kia Sorento và Blackwater Elite tham gia. Nhà thi đấu Philippine Arena cũng lập kỷ lục khi có tới 52.612 khán giả theo dõi.
_____________
Nếu như bóng rổ Philippines là một cây cổ thụ thì Giải bóng rổ nhà nghề Philippines, PBA chính là rễ cây. Chính sự ra đời từ rất sớm của PBA đã tạo nền tảng vững chắc để bóng rổ Philippines cùng với bóng rổ Trung Quốc đứng ở vị thế anh cả ở Châu Á.
(Hết)