CLB bóng rổ Dr.Y: Chiếc Cúp vỏ đạn pháo và 50 năm nuôi dưỡng đam mê
Ngay cả những người đang theo sát mọi bước đi, những thăng trầm của Dr.Y cũng không thể nhớ chính xác thời điểm ra đời đội bóng rổ của các bác sỹ. Người ta chỉ nhớ rằng Dr.Y ra đời cách đây hơn 50 năm, từ khi cố giáo sư bác sỹ Tôn Thất Bách còn là…sinh viên.
Lịch sử đáng tự hào
Những thành viên của đội nữ đại học Y có người đã "về hưu" được hơn 10 năm. Nói vậy để thấy truyền thống của đội bóng rổ có lịch sử lâu dài và bền vững bậc nhất Thủ đô.
Theo lời anh Chiến, thành viên của đội Dr.Y và hiện là một trong hai bác sỹ của CLB Hà Nội Buffaloes, Giáo sư bác sỹ Tôn Thất Bách là một trong những người đặt nền móng, gây dựng nên đội bóng rổ Đại học Y, tiền thân của Dr.Y hiện nay.
Đam mê từ thời còn là một chàng sinh viên, sau khi ra trường học Nội trú, ở lại làm giảng viên cho đến những năm làm hiệu trưởng, thầy Bách vẫn trực tiếp tập luyện và thi đấu cùng sinh viên.
Kỷ niệm đáng nhớ và đáng tự hào nhất đối với mỗi thành viên của Dr.Y là vào năm 1988, thời điểm thầy Bách vẫn còn giữ chức hiệu trưởng đại học Y. Hai chiếc cúp vô địch làm bằng vỏ đạn pháo đội Nam và Nữ mang về trường vẫn còn được gìn giữ cẩn thận như một chiến tích đặc biệt.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, cùng với sự ra đi của những người có tác động mạnh mẽ đến phong trào bóng rổ Y như thầy Bách, bóng rổ Y dần lui khỏi vị trí Top đầu của phong trào bóng rổ Hà Nội.
Tuy nhiên, đến giữa những năm 2000, phong trào bóng rổ bắt đầu nở rộ thúc đẩy sự ra đời của giải bóng rổ HBL, các lãnh đạo của đội bóng rổ ĐHYHN thống nhất thành lập CLB Dr.Y vào ngày 08/08/2008, với mục đích chính là gây dựng lại phong trào, thắp lửa đam mê và tiếp tục viết thêm những nét son lịch sử hào hùng của CLB những vị bác sỹ chơi bóng.
Con đường theo đuổi đam mê chẳng dễ dàng
“Học Y là để cứu người”. Bác sỹ là nghề cao quý nhất, cũng bởi vậy áp lực học tập với các sinh viên trường Y là rất lớn, lớn hơn nhiều lần so với những sinh viên khác.
Bởi vậy, với một người đam mê bóng rổ bình thường, cuối tuần là dịp xả stress, được “khô máu” và “cháy khét” trên sân cùng anh em, nhưng đối với sinh viên Y, câu trên từ rất lâu đã được sửa thành “Cứ mỗi dịp cuối tuần, chúng ta lại có thêm rất nhiều thời gian để… trực và thi”.
Không những thế, cách rèn luyện của đội Y cũng rất khác các đội bóng bình thường, khi ngoài những buổi tập, các thành viên vẫn phải đảm bảo việc chiến đấu với 1 núi sách vở, cũng như hơn 100 kì thi cân não trước khi ra trường.
Nếu như trước những trận đấu quan trọng, các cầu thủ được nghỉ ngơi thư giãn, thì với các thành viên của Dr.Y lại là những đêm trực thức trắng. Vẫn phải đọc sách từ 12 giờ đêm đến rạng sáng sau đó là lên lớp thực hành và đến chiều vội vàng chạy ra sân trong tình trạng…ngái ngủ.
Mặc dù vậy, với một niềm đam mê cháy bỏng và tinh thần kiên cường được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt, Dr.Y vẫn luôn vững vàng trên sàn đầu mỗi khi bóng lăn.
Bản sắc riêng không thể pha lẫn
Trong khi những CLB khác thấy VĐV giỏi là tuyển về thì Dr.Y không như vậy. Mọi thành viên của đội đều là những người đã và đang là sinh viên của Đại học Y.
Vì lẽ đó, dù không có những cá nhân nổi trội nhưng việc ăn, ở, học cùng nhau giúp các thành viên như anh em một nhà và hiểu nhau trong mỗi đường bóng. Việc Dr.Y luôn lọt vào tốp các đội bóng mạnh nhất Hà Nội, thường xuyên lọt vào giải các câu lạc bộ không chuyên (16 đội mạnh nhất) là minh chứng rõ nhất.
Ở giải sinh viên Hà Nội vừa qua, Đại học Y cũng lập thành tích đặc biệt trong lịch sử của giải đấu khi họ mang về trường cả 3 màu huy chương ở 3 nội dung. Trong khi đội Nam giành HCĐ thì đội Nữ chỉ chịu thua ở trận chung kết và nhận HCB. Còn ở nội dung cán bộ họ xuất sắc giành tấm HCV.
Tuy nhiên, điều khiến Dr.Y trở nên đặc biệt so với những đội bóng khác đó là họ còn sẵn sàng thể hiện chuyên môn ngay trên sân. “Có các bác sỹ trên sân cũng giúp các VĐV yên tâm rất nhiều, những người làm giải cũng nhẹ nhõm hơn về vấn đề chấn thương”, đó là nhận định chung của những người đam mê bóng rổ tại Hà Nội.
Những trường hợp nhẹ như chuột rút trên sân cho tới trật khớp, bong gân rồi va chạm chảy máu chấn thương phần mềm đều được các bác sỹ tương lai vô tư xắn tay áo trợ giúp đối thủ.
Kỷ niệm không chỉ Dr.Y mà các đội bóng khác nhớ mãi là ở giải CLB năm ngoái. Trong lúc các anh em đang ngồi “chém gió” trên khán đài thì thành viên bên 3F Galaxy tên Vỹ sau một pha va chạm bị trật khớp vai.
Các bác sỹ được mời xuống sơ cứu nắn lại vai, băng bó cố định sau đó chuyển đến bệnh viện điều trị tiếp. Đó chỉ là một trong rất nhiều những ví dụ mà Dr.Y thể hiện chuyên môn riêng của mình ngay trên sân bóng.
Ở giải CLB năm nay, Dr.Y vừa thất bại trong trận mở màn trước Scorpius và rất khó khăn để vượt qua vòng bảng khi những đối thủ còn lại là Long Biên và đặc biệt là Hidden Dragons, ứng cử viên cho danh hiệu vô địch năm nay.
Thật khó để đòi hỏi các bác sỹ vừa giỏi chuyên môn lại đạt được thành tích cao trên sân bóng khi đặc thù học tập, công việc của họ là rất vất vả. Nhưng với bóng rổ Đại học Y nói chung và Dr.Y nói riêng, có những điều còn cao quý hơn cả thành tích.
Đó là việc giữ gìn bản sắc riêng của một trong những đội bóng rổ lâu đời nhất Thủ đô. Là noi theo tấm gương của cố Giáo sư Tôn Thất Bách một vị bác sỹ sống trọn đời với nghề y cao quý và luôn “cháy bỏng” theo trái bóng màu cam.