Giải đấu The Basketball Tournament: Vô địch lấy hết 2 triệu USD
The Basketball Tournament, viết tắt là TBT, là một sự kiện mở, mang tính chất như các giải đấu tự do được tổ chức vào thời gian mùa hè ở Mỹ.
Giải đấu bóng rổ này được sáng lập vào năm 2014 bởi Jonathan Mugar và bao gồm 64 đội bóng tham gia ở mỗi mùa giải đã qua. Số đội thi đấu có thể được tăng lên tối đa là 80 theo luật hiện tại nhưng chưa có mùa giải nào vượt quá con số 64.
Hình thức tuyển chọn đội bóng
TBT có thiên hướng tự do và đơn giản hơn so với một số hệ thống giải đấu chuyên nghiệp trên thế giới. 64 đội bóng tham dự sẽ được chia theo 4 khu vực tại Mỹ là Đông Bắc, Trung Tây, Nam và Tây.
Nghĩa là mỗi khu vực sẽ có 16 đại diện với sự thay đổi theo hàng năm. 11 trong số 16 đội sẽ được chọn lựa từ kết quả bình chọn của người hâm mộ thông qua trang web chính thức của giải đấu TBT.
Thành viên trong các đội bóng này sẽ gia nhập theo 2 cách. Một là tự đăng ký rồi trải qua bước bình chọn trên hệ thống bình chọn riêng của đội bóng. Hai là có thể tự đóng mức phí 5.000 USD để tham dự. Nếu đội bóng được lựa chọn vào nhóm 64 đội tham gia giải đấu, khoản tiền này sẽ được hoàn trả cho cầu thủ.
3 đội bóng khác sẽ được góp mặt bằng cách thể hiện sức mạnh tài chính với ban tuyển chọn. 1 đội nữa chính là đại diện vô địch của khu vực năm trước được gọi thẳng.
Điều đáng nói nhất nằm ở đội bóng cuối cùng. Đây là đội bóng tự do nhất có thể được thành lập bởi bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào. Yêu cầu tối thiểu cho số thành viên đội hình là 9 người và tối đa là 15 người. Cách đặt tên đội chỉ cần lưu ý tránh những phạm húy chính trị hoặc mang tính thô tục đều có thể được chấp nhận.
Điểm đặc biệt của TBT là giải đấu mở tự do cho bất cứ ai. Những người đăng ký có thể thuộc giới không chuyên, nghiệp dư, bán chuyên cho tới cả chuyên nghiệp.
Từng có những cầu thủ ở giải bóng rổ NBA tham gia như Dahntay Jones, Mike Bibby, Royal Ivey, Matt Bonner, và Brian Scalabrine. Cầu thủ Justin Young đang thi đấu tại VBA cũng từng thử sức ở giải đấu này.
Một đội bóng tại đây cũng có thể bao gồm cả các vận động viên nam và nữ thi đấu chung cùng nhau. Năm 2016, giải đấu có tới 15 bóng hồng góp vui, đa phần họ cũng có trình độ khá tốt.
Sau bước lập đội và đăng ký với ban tổ chức, các đội tự do này sẽ cùng thi đấu qua vòng sơ tuyển với những đội bóng giống họ. Đội chiến thắng cuối cùng sẽ giành tấm vé chính thức gia nhập vào giải đấu.
Như vậy, 16 đội bóng đã được tập hợp đủ để bắt đầu khởi tranh. Quá trình chuẩn bị cho tới khi kết thúc giải đấu thường từ giữa tháng 3 cho tới đầu tháng 8 hàng năm.
Thi đấu
TBT được tổ chức theo hình thức chia nhánh loại trực tiếp. Ban đầu, 16 đội trong từng khu vực sẽ thi đấu nội bộ với nhau. Họ cũng sẽ được xếp hạng theo thứ tự hạt giống từ 1 tới 16. Thể thức tranh đấu sẽ tương tự như NBA Play-off, tức là chia các trận đấu theo từng cặp 1-16, 2-15, 3-14... Đội nào thua sẽ bị loại ngay lập tức.
Các trận đấu cấp khu vực sẽ được diễn ra tại một địa điểm nhất định. Như năm 2017, 4 khu vực sẽ thi đấu tại Philadelphia, Las Vegas, Peoria và Charlotte. 4 đội vô địch ở các khu vực sẽ bước vào vòng chung kết tại Baltimore. Họ sẽ tiếp tục đấu theo thể thức chia nhánh loại trực tiếp cho tới khi tìm được nhà vô địch.
Theo thông tin từ businessinsider thì ở trận chung kết TBT năm nay, đội thắng lấy trọn 2 triệu đô, còn đội thua chẳng nhận được xu nào.
Có thắc mắc về việc cách xếp hạng hạt giống liệu có khách quan hay không? Tất nhiên, ở một giải đấu tự do như TBT thì cũng chẳng thể đòi hỏi tính công bằng tuyệt đối dù ban tổ chức thường cố gắng đánh giá kỹ lưỡng nhất có thể.
Việc phân tích hay chọn lựa khu vực cho các đội bóng thường được quyết định bởi hội đồng các giám đốc điều hành. Để trở thành giám đốc điều hành tốt, một người phải có bao gồm cá yếu tố như quen biết nhiều cầu thủ, có đầu óc tổ chức, ý thức trách nhiệm cao và không ngại xuất hiện trên truyền hình.
Có trường hợp linh hoạt trong việc bổ sung cầu thủ cho các đội bóng trong thời gian diễn ra giải đấu. Nếu chưa đạt tới mốc tối đa 15 thành viên, mỗi đội có thể lấy thêm cầu thủ từ bên ngoài gia nhập.
Tuy nhiên, họ phải trả thêm tiền cho mỗi nhân sự tham gia bổ sung. Cụ thể, đội bóng sẽ mất 2.000 USD/ 1 cầu thủ sau vòng 1, 3.000 USD sau vòng 2 , 4.000 USD sau vòng 3, 5.000 USD cho trận bán kết và 6.000 USD cho trận chung kết.
Những ai không biết sẽ cảm thấy cách thức này của ban tổ chức khá kỳ quặc nhưng TBT có mục đích phần lớn hướng về việc quyên góp làm từ thiện. Theo ước tính, giải đấu hàng năm đóng góp khoảng ít nhất 1 triệu USD cho các hoạt động từ thiện xã hội.
Năm 2017, TBT có sự đồng hành của truyền hình thể thao ESPN. Đội vô địch giải đấu sẽ nhận phần thưởng trị giá 2 triệu USD và có vinh dự được lên truyền hình. Bản thân chính đội vô địch cũng thường trích một khoản trong số phần thưởng để làm công tác từ thiện.