Nuôi đam mê bóng rổ bằng nghề "tay trái"

thứ tư 28-12-2016 17:04:35 +07:00 0 bình luận
Những VĐV dù không chuyên vẫn yêu cháy bỏng trái bóng màu cam chẳng thua kém ai. Nhưng để duy trì ngọn lửa đam mê ấy, đó là cả một câu chuyện dài...

Những VĐV dù không chuyên vẫn yêu cháy bỏng  trái bóng màu cam chẳng thua kém ai. Nhưng để duy trì ngọn lửa đam mê ấy, đó là cả một câu chuyện dài xen lẫn buồn-vui, in đậm cả mồ hôi và đôi khi là nước mắt.

“Đã trót dính vào môn này thì không thể từ bỏ”, đó là câu nói cửa miệng của những huyền thoại của làng "bóng rổ phủi" Thủ đô. Những VĐV tuy cháy bỏng với trái bóng màu cam nhưng họ luôn xác định chơi thì vẫn là chơi và để theo đuổi được nó là cả một câu chuyện dài.

Đa phần giới bóng rổ Hà Nội chỉ coi đó là đam mê chứ không phải là một nghề để kiếm ra tiền. Dù kể cả những VĐV chuyên nghiệp cũng khó lòng coi bóng rổ là một nghề để nuôi bản thân chứ chưa nói tới... "chuyện trên trời" nuôi sống gia đình.

Có rất nhiều "huyền thoại" thừa nhận rằng chơi bóng rổ mới là "tay phải", mới là thứ mà họ làm tốt nhất, hơn những công việc tại văn phòng, trên bàn giấy. Dẫu vậy, sức nặng cơm áo gạo tiền vẫn khiến những con người tâm huyết với bóng rổ phải chọn một nghành nghề khác.  

b

Cựu chủ tịch Phong "Kul" (bên trái, hàng giữa) và tân chủ tịch Linh "Bốp"

Chính vì vậy mà cùng khoác chung một màu áo nhưng trên sân là các VĐV với đủ ngành nghề từ sinh viên cho tới công nhân viên chức, từ buôn bán giầy dép quần áo, ông chủ quán ăn cho tới giáo viên, luật sư nhưng tất cả cùng chung niềm đam mê với bóng rổ “phủi”.

Chẳng nói đâu xa, những người có đóng góp rất nhiều cho HBRKCHN như cựu chủ tịch Phong “Kul” vẫn phải dành 8 tiếng một ngày cho công việc chính tại Viettel. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng đam mê của mình, chàng trai sinh năm 1984 vẫn gồng gánh thêm một cửa hàng chuyên buôn bán trang phục bóng rổ trên phố Trần Hưng Đạo.

Những người yêu bóng rổ Hà Nội đã quen thuộc với hình ảnh tân chủ tịch Linh “Bốp” luôn hớt hải chạy tới sân bóng là bỏ áo sơ mi khỏi âu phục để lo khâu tổ chức cho giải đấu. Ít ai biết được, Bốp vẫn đang “cày kéo” ở một công ty tài chính nước ngoài.

b

Doc Store của Đạt Doc

Đằng sau hình ảnh nghiêm nghị của trọng tài liên đoàn bóng rổ Việt Nam, Trọng “Voi”, người đang điều hành mọi công tác liên quan đến chuyên môn trọng tài của hội bóng rổ không chuyên Hà Nội là một ông chủ cửa hàng điện thoại.

Đó chỉ là những ví dụ tiêu biểu về giới bóng rổ không chuyên Thủ đô. Nhưng kể cả những VĐV chuyên nghiệp của Hà Nội Buffaloes như trợ lý HLV Vinh “Tẩm”, anh em Hoàng Đạt thì bóng rổ cũng chỉ là… nghề tay trái.

Chẳng ai còn thấy xa lạ về cửa hàng bánh ngọt của Vinh “Tẩm” số 111 Quán Thánh và 111 Núi Trúc hay cửa hàng giầy của Đạt Doc tại địa chỉ 47 Hàng Đậu. Chính những chiếc bánh ngọt đã giúp Vinh "Tẩm" nuôi dưỡng niềm đam mê bóng rổ mà có lẽ rất "đắng" nếu ai đó có hỏi: "Chơi bóng rổ có phải cái nghề?". 

Những chiếc bánh ngọt giúp Vinh "Tẩm" nuôi dưỡng đam mê bóng rổ 

Nói vậy để thấy, những người đam mê và sống trọn vẹn được với bóng rổ ngoài nỗ lực có thể coi là…may mắn, nhất là khi phong trào bóng rổ Thủ đô mới chỉ manh nha phát triển được vài tháng nay.

Lợi “Bôn” của đội Đống Đa là một ví dụ điển hình, đội trưởng của ĐT Hà Nội đồng thời là thầy giáo dậy bóng rổ tại trường Nguyễn Tất Thành. Hay Trung Trương của Hidden Dragon cũng là một tấm gương tiêu biểu, sống và “cháy” cùng trái bóng cam.

Anh chàng sinh năm 93 hiện đang là HLV bóng rổ của Trung tâm thể dục thể thao Hà Nội. Ngoài việc thỏa mãn đam mê của mình, công việc tại trung tâm cũng giúp Trung “Kon” có được nguồn thu nhập ổn định 8 triệu/tháng.

Trung "Kon" số 6 là một trong số ít những VĐV sống được nhờ bóng rổ

Hè 2015 là thời điểm đánh dấu cột mốc quan trọng của chàng trai mang áo số 6. Sau khi cùng ĐT Hà Nội giành chức vô địch giải toàn quốc tại Sóc Trăng, Trung “Kon” được trưởng đoàn kiêm trưởng bộ môn bóng rổ Đào Văn Kiên mời về làm HLV cho đội tuyển bóng rổ Hà Nội.

Tròn 1 năm sau, HLV kiêm VĐV Trung “Kon” đã cùng ĐT Hà Nội giành thêm một chiếc HCB giải bóng rổ toàn quốc diễn ra tại Nha Trang. Hai tấm huy chương toàn quốc trong 2 năm là điều mà bóng rổ Thủ đô từ trước đến nay chưa bao giờ làm được.

Nó tạo ra một cú hích lớn không chỉ với phong trào bóng rổ Thủ đô mà còn khiến Sở thể dục thể thao thành phố Hà Nội quan tâm hơn đến bộ môn từng bị lãng quên lâu nay.

Sân bóng mới là nơi để các viên chức thỏa mãn đam mê 

Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào bóng rổ trên cả nước, tư duy rằng bóng rổ chỉ là một trò chơi rồi sẽ được thay đổi. Những ai đam mê trái bóng màu cam có quyền hi vọng rằng bóng rổ rồi sẽ được đánh giá một cách đúng nghĩa. 

Chẳng gì tuyệt vời hơn, nếu những người đam mê được sống trọn vẹn với bóng rổ và có thể kiếm được tiền từ đó để trang trải cuộc sống bản thân và xa hơn, chăm lo cho một tổ ấm. Đó mới là điều mà những người đang tâm huyết với trái bóng cam hướng tới.

Dẫu vậy, chẳng phân biệt kẻ giàu người nghèo, bóng rổ giờ vẫn mang một sứ mệnh đó là giúp các anh em xích lại gần nhau, có thể thỏa mãn đam mê bất tận đằng sau những gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội