Boxing Việt Nam: Giải đấu dài chẳng giống ai với hạng cân... không tưởng (Kỳ 2)
-->> Boxing Việt Nam: Chuyện một giải đấu phải "cấp cứu" giữa giông bão (Kỳ 1)
Học... chống bão ở giải Boxing
Năm 2018 giải Boxing trẻ toàn quốc diễn ra ở Quảng Ngãi với hơn 300 VĐV tham dự, tranh 44 bộ huy chương trong khoảng thời gian tổ chức gói gọn trong 9 ngày. Thực tế, đến giải năm ngoái 2019 ở Cần Thơ quy mô và thời gian tổ chức cũng gần tương tự và điều này được đánh giá là phù hợp.
Tuy nhiên, năm nay khi giải Boxing trẻ quay lại với Quảng Ngãi ban tổ chức (BTC) đã "hô biến" tầm vóc quy mô giải đấu đến mức nhiều nhà chuyên môn, HLV hay thậm chí không ít đoàn tham dự cũng thấy... choáng váng.
Đầu tiên, với việc đưa thêm vào nội dung thi đấu của lứa tuổi 13-14 (bên cạnh hai lứa tuổi 15-16, 17-18), số lượng VĐV tham dự được đẩy lên con số kỷ lục (478 VĐV). Đương nhiên điều này cũng đi kèm với số bộ huy chương nhiều chưa từng thấy: 90 bộ.
VĐV tăng "đột biến" khiến hệ quả thời gian tổ chức bị kéo dài gấp đôi so với thường lệ mọi năm, từ ngày 15 đến tận 31/10 (17 ngày). Nhiều đoàn địa phương về tham dự - đoàn ít thì 5-7 người còn nhiều có khi lên đến 15-20 thành viên - có lẽ cũng ngán ngẩm vì chi phí sinh hoạt tốn kém cho tận 3 tuần đóng quân ở Quảng Ngãi.
Đáng nói ở chỗ, do thời gian tổ chức dài lê thê, khi bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi hôm 28/10 thì giải đấu buộc phải hoãn lại hơn 1 ngày. Các HLV, trưởng đoàn phải chạy đôn đáo cuống cuồng tích trữ lương thực nước uống cho VĐV đoàn mình.
Với nhiều người, đây có lẽ là "trải nghiệm nhớ đời" vì được học thêm kinh nghiêm... chống bão khi dự một sự kiện thể thao dài lê thê mà hiếm có một giải vô địch Boxing trẻ nào trong khu vực, châu lục thế giới kéo dài hơn thế.
->> Xe bọc thép đưa trọng tài giải Vô địch Boxing trẻ QG 2020 vào viện
Hạng cân... không tưởng
Năm 2017 Liên đoàn Boxing Việt Nam (VBF) bắt đầu chủ trì việc tổ chức giải Boxing trẻ toàn quốc, công việc mà trước đó Bộ môn Boxing của Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam đảm trách.
Ở giải năm đó chỉ có 43 bộ huy chương được trao và việc phân chia các hạng cân thi đấu cho các lứa tuổi nam-nữ (14-15, 16-17) được đánh giá tương đối phù hợp, xét theo yếu tố kỹ thuật chuyên môn, cũng như định hướng tìm kiếm và đào tạo những VĐV trẻ có tiềm năng phát triển trong tương lai tranh chấp huy chương ở tầm khu vực.
Tuy nhiên, năm nay BTC giải đã "phòi" ra tận 90 bộ huy chương trao thưởng các hạng cân. Điều này dẫn tới thực tế lãng phí nhiều bộ huy chương vì không có VĐV đăng ký hoặc cá biệt có hạng cân chỉ đúng... 3 VĐV đăng ký.
Đáng nói trong đó có nhiều hạng cân đúng nghĩa là... không tưởng. Thí dụ, việc đưa vào nội dung thi đấu hạng cân 80kg cho VĐV nam lứa tuổi... 13-14 đúng là tính toán chẳng giống ai của BTC.
Để so sánh, những nghiên cứu khảo sát về chiều cao cân nặng ở trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam đã chỉ ra rằng cân nặng trung bình cho trẻ 14 tuổi chỉ dao động quanh 51kg.
Như thế, liệu có chuyên gia y tế dinh dưỡng nào không đánh giá một đứa trẻ 14 tuổi nặng tới 80kg là... thừa cân béo phì?
"Việc đưa vào thi đấu hạng cân như thế (80 kg nam, tuổi 13-14) là bất hợp lý!", ông Vũ Đức Thịnh - Trưởng Bộ môn Boxing & Kickboxing Tổng cục TDTT Việt Nam nhận xét về nội dung thi đấu ở giải Boxing trẻ toàn quốc vừa qua.
"Cân nặng như thế ở một VĐV Boxing mới 13-14 tuổi là điều không tưởng và cũng nó chẳng có ý nghĩa gì về việc phát triển chuyên môn Boxing".
Thực tế không chỉ ở Boxing mà đa phần trong các môn võ đối kháng khác (Muay, Kickboxing, Karate, Taekwondo...), thực tế võ sỹ Việt Nam chỉ có thể tranh chấp tốt nhất trên đấu trường khu vực SEA Games hay quốc tế ở khoảng 45kg - 62kg.
Việc boxer Nguyễn Thị Tâm từng vô địch châu Á 2017, SEA Games 2019 ở mức 51kg hay đầu năm nay Nguyễn Văn Đương giành tấm vé lịch sử dự Olympics Tokyo hạng 57kg là minh chứng rõ nét.
Như thế, liệu việc BTC đưa vào nội dung thi đấu một hạng cân khổng lồ cho lứa tuổi bé nhất để nhằm mục đích gì?
Nó đơn giản chỉ để giải quyết bài toàn thành tích địa phương, hay là "xây dựng chiến lược lâu dài nhằm phát triển hạng cân thi đấu mới có khả năng tranh chấp huy chương quốc tế cho Boxing Việt Nam"?
(Còn nữa, Boxing Việt Nam: Bức tranh xám và công văn xin lỗi của ông Chủ tịch (Kỳ 3)