Công Phượng đã hết thời hay bây giờ mới là lúc bùng nổ?
Công Phượng từng là ngọn lửa sáng nhất trong một nền bóng đá âm u. Nhưng ở trận gặp U23 Qatar, tiền đạo gốc Nghệ An đã bị thay ra từ rất sớm...
1. Ngoại trừ trận ra quân gặp U23 Hàn Quốc, Công Phượng không lần nào được chơi trọn vẹn 90 phút trong chuyến hành trình lịch sử trên đất Trung Quốc của đoàn quân dưới quyền HLV Park Hang Seo. Éo le thay, thất bại duy nhất tính đến thời điểm hiện tại của U23 Việt Nam cũng chính là trận đấu duy nhất mà số 10 có mặt trên sân đến tàn cuộc.
Trong khi báo giới và cộng đồng mạng liên tục nhắc tới Tiến Dũng, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Đức, Quang Hải hay thậm chí một cầu thủ mới được chơi ít phút là Hồng Duy, mấy ngày qua hầu như không có dòng nào về Công Phượng. Chỉ còn các fan trung thành của Công Phượng là đang quặn lòng trước những lời chỉ trích, những ánh mắt thờ ơ nhắm vào thần tượng.
Như một viên đá bị ném xuống mặt hồ, mọi người quên phắt sự tồn tại của cầu thủ từng được chính họ ngợi ca, kỳ vọng là vị cứu tinh của bóng đá Việt Nam. Giả sử có một cuộc trưng cầu ý kiến là liệu U23 Việt Nam có nên cho Công Phượng ngồi dự bị ở trận gặp U23 Uzbekistan, kết quả chắc chắn sẽ khiến bầu Đức cảm thấy ái ngại cho cục cưng của mình.
Mặc dù đã có 1 bàn thắng vào lưới U23 Iraq, phải thừa nhận rằng dấu ấn của Công Phượng tại VCK U23 châu Á 2018 là khá nhạt nhòa. Những CĐV khắt khe thậm chí còn coi Công Phượng là một nỗi thất vọng. Phải chăng Công Phượng đã "hết thời", dẫu anh vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 23 hôm 21/1?
Bóng đá chuyên nghiệp là một cuộc thanh trừng nghiệt ngã. Đã có rất nhiều những cầu thủ tỏa sáng ở độ tuổi U23, U19 và U17, để rồi vĩnh viễn không bao giờ vươn tới cột mốc mà NHM chờ đợi. Chúng ta có thể liệt kê ra hàng loạt những trường hợp như Thế Vọng, Thái Sung, Như Thuật, Ánh Cường và cả Văn Quyến.
2. Nếu Công Phượng sa vào vết xe đổ ấy, ắt không nhiều người ngạc nhiên. Tuy nhiên, để khẳng định Công Phượng là “Thái Sung mới” vào thời điểm này là quá vội vàng và quy chụp. Công Phượng khác với những “cánh phượng sớm nở chóng tàn” kia ở một điểm vô cùng quan trọng. Anh không chơi bời, mà rất nghiêm túc trong cuộc sống và công việc.
Kể từ khi vụt trở thành hiện tượng của bóng đá Việt Nam đến nay, Công Phượng không vướng phải scandal hoặc tạo ra điều tiếng gì. Nói không ngoa, Công Phượng là hình ảnh thu nhỏ của Công Vinh và Huỳnh Đức. Nhưng hai đàn anh vừa nêu lại không “khổ” bằng Công Phượng ở một điểm.
Nếu Công Vinh có Văn Quyến để “nương” nhờ và Huỳnh Đức có Hồng Sơn để chia lửa, Công Phượng cứ một mình cặm cụi cõng cả một làng cầu trên lưng. Nhất cử nhất động của Công Phượng, từ một pha rê bóng hơi “tối” cho đến một cú dứt điểm thiếu lực, tất cả đều bị lôi ra mổ xẻ. NHM “mặc định” rằng, Công Phượng không thể mắc sai lầm như các cầu thủ khác.
Sức ép đã khiến Messi không thể đưa Argentina tới những chiếc Cúp. Sức ép cũng khiến thế hệ vàng của bóng đá Anh với Gerrard, Lampard và Rio Ferdinand trở thành đồng thau. Và sức ép hoàn toàn có thể giết chết sự nghiệp của Công Phượng.
May mắn thay, giải U23 châu Á 2018 đã thay đổi tất cả. Quang Hải, Duy Mạnh, Tiến Dũng…, tất cả đều trở thành ngôi sao, người hùng thực sự. Đoàn quân dưới quyền HLV Park Hang Seo không còn là “đội bóng một người” như triều đại của Hữu Thắng nữa. Từ nay trở đi, Công Phượng sẽ được chơi bóng thoải mái, tự do và vui thích hơn.
Khi tư tưởng được giải tỏa, chẳng còn gì ngăn chàng trai đang khoác áo HAGL trở thành Công Phượng của ngày xưa, khi anh đi bóng qua 6 cầu thủ Australia để ghi bàn tại giải U19 Đông Nam Á 2019. Chẳng biết chừng, quá trình hồi sinh của Công Phượng sẽ được bắt đầu ngay từ trận chung kết U23 châu Á 2018 giữa U23 Việt Nam - U23 Uzbekistan.