Đặng Văn Lâm muốn nói điều gì?
Trả lời phỏng vấn báo Nga, thủ thành Đặng Văn Lâm đã chia sẻ về những khác biệt và những gì anh nhận được khi chân ướt chân ráo sang Việt Nam: “Tôi đến đó và cư xử như một người Nga, một người nước ngoài. Họ có vẻ không thích tôi, không thích "cái gã người Nga này". HLV không điền tên tôi vào danh sách thi đấu”. Và anh lý giải thêm: “Vì có những khác biệt. Ví dụ thế này: Ở Nga bạn có thể nhẹ nhàng tiếp cận HLV, nói những điều bạn chưa hài lòng. HLV dễ dàng lắng nghe và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết. Ở châu Á thì khác. HLV luôn là người đúng và bạn không được tranh cãi.
Người càng lớn thì càng biết nhiều và khi đối mặt với họ bạn phải hạ thấp ánh mắt xuống. Trước đây tôi không hiểu chuyện. Tôi thường nói thẳng ý kiến với HLV, đôi khi tranh cãi. Ở Việt Nam, hành động này được xem là ngạo mạn. Mùa thứ hai, họ đem tôi cho CLB ở Lào mượn”.
Bóng đá là môn thể thao tập thể bởi thế đôi khi người ta phải tạm nép cái tôi của mình lại để phục vụ lợi ích chung. Tuy nhiên để tạo những đột phá, đột biến thì rất cần những cái tôi của cầu thủ phát huy đúng sở trường của mình, đúng cá tính của mình. Hầu hết những HLV thành công đều biết chấp nhận cái tôi của cầu thủ, đặt niềm tin vào họ.
Hai ví dụ điển hình nhất là Công Phượng và Văn Lâm. Phượng từng bị chê tơi tả ở một số tình huống tại AFF Cup và bị gọi là “lừa đối thủ và lừa 90 triệu người hâm mộ” nhưng ông Park Hang-seo vẫn cho anh chơi theo cái cách của mình và thực sự là tại Asian Cup, không thể chê được nỗ lực của Phượng. Người thứ hai là Văn Lâm. Cách đây tròn 1 năm, thủ môn Tiến Dũng mới là người “đốn tim” giới mộ điệu nhưng ông Park vẫn tin Lâm và cuối cùng ông đã toại nguyện.
Không chỉ trong bóng đá, tôi rất thích chia sẻ này của một nhà báo: “Trong bất cứ lĩnh vực nào, nhất là quan hệ trên dưới thì đại đa số người Việt không dễ chịu lắm và thường không chấp nhận tiếng nói của người nhỏ hay cấp thấp hơn mình. Đại đa số những nơi tôi làm việc, góp ý cho sếp đồng nghĩa với ngang ngạnh, cãi lời và thường bị “đì” như Lâm tây đã chịu”.
Trong gia đình, đương nhiên là con cái không được cãi hỗn nhưng đa số bố mẹ Việt vẫn chưa thể chấp nhận được những phản biện của con cái. Thường là những em được lắng nghe, có tiếng nói phản biện thường là những người rất nhanh nhẹn và thích ứng tốt với cuộc sống.
Ý kiến của người dưới, con trẻ có thể sai nhưng có những điều cần lắng nghe, kể cả học hỏi. Đừng bao giờ xem tư duy, cách nghĩ hay việc làm của mình là đúng hoàn toàn, không thể thay đổi hay bắt người khác phải nghe theo, dù cho thời điểm đó mình là số một.
Cái sợi dây liên kết tình cảm chặt chẽ giữa ông Park hang-seo và những cầu thủ đã khiến họ chơi như những chiến binh sao vàng.
Tôn trọng sự khác biệt không phải là điều dễ dàng gì nhưng nếu làm ngược lại thì bạn sẽ thất bại. Dù rất khó nhưng có lẽ đó là một chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công.