Đối thủ của U23 Việt Nam tại Thái Lan vắng sao trẻ từng lọt top 100 thế giới
U23 Uzbekistan thiếu vắng cầu thủ từng lọt top 100 cầu thủ trẻ triển vọng nhất thế giới năm 2016. Trong khi đó, U20 Nhật Bản chỉ cần 3 ngày tập trung là những điểm nhấn chính trong quá trình chuẩn bị của các đội tuyển cho Giải giao hữu M-150.
BẢNG A
U23 Thái Lan
U23 Thái Lan là đội chủ nhà của Giải giao hữu M-150. U23 Thái Lan gần như giữ nguyên bộ khung giành huy chương vàng SEA Games 29. Sự thay đổi lớn nhất của đội tuyển nằm ở băng ghế huấn luyện khi HLV Worrawoot Srimaka được thay thế bởi nhà cầm quân người Serbia, ông Zoran Jankovic.
U23 Thái Lan nằm cùng bảng với2 đội tuyển rất mạnh đến từ Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, HLV trưởng đội tuyển xứ sở chùa vàng khẳng định đây là cữ dượt quan trọng để đánh giá trình độ thật sự của U23 Thái Lan trước khi thi đấu tại VCK U23 châu Á 2018.
HLV trưởng: HLV Zoran Jankovic (Serbia)
Tập trung: từ ngày 27/11/2017
Lực lượng: 26 cầu thủ (3 thủ môn, 8 hậu vệ, 12 tiền vệ và 3 tiền đạo)
Mục tiêu: Đánh giá lực lượng để xem có thể vào đến tứ kết hay bán kết VCK U23 châu Á 2018.
Cầu thủ nổi bật: thủ môn Nont Muangngam, hậu vệ Worawut Namvech, tiền vệ Nopphon Phonkam, tiền đạo Chenrop Samphaodi.
U20 Nhật Bản
Nhật Bản là đại diện duy nhất cử đội U20 sang Thái Lan tham dự Giải M-150. Mục tiêu của U20 Nhật Bản là tìm ra những cầu thủ trẻ tốt nhất bổ sung cho lực lượng của U23 Nhật Bản sẽ tham dự VCK U23 châu Á 2018.
HLV trưởng Hajime là người thuộc Hội đồng HLV quốc gia Nhật Bản khẳng định điều ấy. Đồng thời, ông muốn tạo ra một không khí và môi trường thuận lợi để sàng lọc những cầu thủ có cá tính và phẩm chất khác biệt.
Trong khi đó, tiền vệ Suga Daiki, người là đồng đội của Chanathip Songkrasin tại CLB Consadole Sapporo lại hướng đến chức vô địch. Rào cản tuổi tác giữa lứa U20 và U23 không phải vấn đề lớn với đội tuyển xứ sở mặt trời mọc.
HLV trưởng: HLV Moriyasu Hajime (Nhật Bản)
Tập trung: từ ngày 5/12/2017
Lực lượng: 23 cầu thủ (3 thủ môn, 5 hậu vệ, 12 tiền vệ và 3 tiền đạo)
Mục tiêu: Tìm ra những cầu thủ có khả năng thi đấu cho đội tuyển U23 Nhật Bản.
Cầu thủ nổi bật: Hậu vệ Ominami Takuma, tiền vệ Suga Daiki và Harigaya Takeaki.
U23 CHDCND Triều Tiên
U23 CHDCND Triều Tiên luôn là đội tuyển tìm kiếm thông tin khó khăn nhất. Họ quyết định tham dự Giải M-150 Cup là một thành công của chủ nhà Thái Lan bởi về chuyên môn đất nước Đông Á là một thế lực ở châu lục.
Tại vòng loại U23 châu Á 2018, CHDCND Triều Tiên giành ngôi đầu bảng G vơi 7 điểm. Họ thắng đậm Đài Bắc Trung Hoa và Lào, tuy nhiên lại chỉ có trận hòa 1-1 trước Hong Kong. Vòng loại này chưa thể đánh giá hết trình độ của đội tuyển đến từ Đông Á. Họ luôn là đội tuyển thi đấu với tinh thần và sự kỷ luật cao nhất.
HLV trưởng: HLV Kim Chung Jin (CHDCND Triều Tiên)
Tập trung: từ ngày 5/12/2017
Lực lượng: 23 cầu thủ (3 thủ môn, 8 hậu vệ, 9 tiền vệ và 3 tiền đạo)
Mục tiêu: Đánh giá lực lượng trước khi tham dự VCK U23 châu Á 2018.
Cầu thủ nổi bật: Tiền đạo So Jong Hyok, tiền vệ Kim Yu Song.
BẢNG B
U23 Việt Nam
U23 Việt Nam thay thế HLV trưởng và tiếp tục phải trải qua giai đoạn chuyển giao khó khăn. Các cầu thủ đang được áp dụng sơ đồ chiến thuật mới dưới sự chỉ đạo của một HLV mới đến từ Hàn Quốc.
HLV Park Hang Seo có đầy đủ cầu thủ tốt nhất trong tay, trừ trường hợp chấn thương đáng tiếc của Minh Vương. Ông thầy người Hàn Quốc hướng tới giải đấu với mục tiêu giao hữu, thử nghiệm đội hình. Điểm rơi phong độ tốt nhất của U23 Việt Nam được tính toán sẽ trùng với VCK U23 châu Á 2018.
HLV trưởng: Park Hang Seo (Hàn Quốc)
Tập trung: từ ngày 1/12/2017
Lực lượng: 27 cầu thủ (3 thủ môn, 8 hậu vệ, 12 tiền vệ và 4 tiền đạo)
Mục tiêu: Kiểm tra, đánh giá lực lượng cũng như sự vận hành của hệ thống chiến thuật mà HLV Park Hang Seo và các cộng sự đang xây dựng.
Cầu thủ nổi bật: Vũ Văn Thanh, Lương Xuân Trường, Nguyễn Quang Hải và Nguyễn Công Phượng.
U23 Uzbekistan
U23 Uzbekistan giành thành tích toàn thắng ở bảng D vòng loại U23 châu Á 2018 trước U23 UAE, U23 Lebanon và U23 Nepal. Họ ghi được 7 bàn và chỉ thủng lưới 1 lần duy nhất.
U23 Uzbekistan vẫn thiếu vắng một số trụ cột ở Giải M-150 do Giải VĐQG của nước này vừa mới kết thúc. Dostonbek Khamdanov (CLB Bunyodkor), cầu thủ lọt top 100 cầu thủ trẻ triển vọng nhất của thế giới năm 2016 và hậu vệ cánh Rustamjov Ashurmatov (CLB Bunyodkor), người từng được chỉ bảo bởi huyền thoại Rivaldo cũng không góp mặt.
U23 Việt Nam từng hòa 1-1 trước U23 Uzbekistan tại VFF Cup 2011 dưới thời HLV Falko Goetz. Năm 2015, U23 Việt Nam cũng hòa U23 Uzbekistan 0-0 trong một trận giao hữu dưới thời HLV Toshiya Miura.
HLV trưởng: Ravshan Khaidarov (Uzbekistan)
Tập trung: từ ngày 30/11/2017
Lực lượng: 23 cầu thủ (3 thủ môn, 7 hậu vệ, 9 tiền vệ và 4 tiền đạo)
Mục tiêu: Cọ xát, thử nghiệm đội hình, hướng tới VCK U23 châu Á 2018.
Cầu thủ nổi bật: Thủ môn Ergashev, hậu vệ Islomjon Kobilov và tiền đạo Andrey Sidorov.
U23 Myanmar
U23 Myanmar không giành quyền tới VCK U23 châu Á 2018 sau khi chỉ xếp thứ 2 bảng F ở vòng loại. Chính vì vậy, thầy trò HLV Gerd Zeise hướng đến giải giao hữu lần này với tính chất thử nghiệm đội hình. Đặc biệt, HLV người Đức cũng sử dụng một số cầu thủ nổi bật ở lứa U19 như cặp tiền đạo Win Naing Tun và Pyae Sone Naing, tạo cơ hội học hỏi.
Trong quá trình chuẩn bị, U23 Myanmar có một trận giao hữu với các ngôi sao tại Giải VĐQG của nước này (MNL All Stars) và để thua trắng 0-2. Thành phần của U23 Myanmar tới giải lần này không thay đổi nhiều so với SEA Games 29, nơi họ giành hạng 4. U23 Myanmar từng chạm trán với U23 Việt Nam tại bán kết SEA Games 2015 với chiến thắng 2-1.
HLV trưởng: Gerd Zeise (Đức)
Tập trung: từ ngày 2/12/2017
Lực lượng: 21 cầu thủ (2 thủ môn, 8 hậu vệ, 7 tiền vệ, 4 tiền đạo)
Mục tiêu: Giao hữu, sử dụng một cầu thủ trẻ từ đội U19.
Cầu thủ nổi bật: Tiền đạo Aung Thu, Than Paing, tiền vệ Sithu Aung và Hlaing Bo Bo.
Đội vô địch: Nhận cúp và 20.000 USD tiền thưởng.
Lịch thi đấu: từ ngày 9/12 đến 17/12.
Địa điểm: SVĐ I-Mobile Stadium Buriram.