Nhìn từ thất bại AFF Cup 2016: Những nước cờ sai của Hữu Thắng
Với Hữu Thắng thất bại ở AFF Cup 2016 giống như là thua trong một "canh bạc" mà ở đó nhà cầm quân xứ Nghệ chấp nhận đánh đổi, đặt trọn niềm tin vào những quân bài thân tín nhất.
Từng trải qua biết bao biến cố trong cuộc sống, sự nghiệp nhưng thất bại ở AFF Cup 2016 với HLV Hữu Thắng vẫn thật khó nuốt trôi. Thất bại trong việc chinh phục mục tiêu quan trọng nhất năm của BĐVN, Hữu Thắng với vai trò "đứng mũi chịu sào" là người có trách nhiệm cao nhất.
Ngay khi lên tiếp quản chiếc ghế nóng ở ĐTQG hồi đầu năm thay cho HLV Miura, vị chiến lược gia sinh năm 1971 đã cho thấy rất rõ triết lý, ý đồ xây dựng đội bóng của mình. Không khó để nhận ra khi Hữu Thắng muốn kết hợp những cầu thủ tài năng của HA.GL, HN.T&T và một số đội bóng khác bên cạnh bộ khung bao gồm "những người con có xuất xứ Nghệ Tĩnh".
Không phải bây giờ mà ngay khi dẫn dắt ĐTVN, đã có những xì xào về việc Hữu Thắng quá ưu ái và tin dùng quân xứ Nghệ. Không đến mức mất đoàn kết theo kiểu "bè phái" nhưng cách dùng người, xây dựng đội bóng của ông thầy trẻ tuổi này ít nhiều khiến trong lòng đội bóng có những phân rẽ.
Không phải một mà rất nhiều lần, nhà cầm quân xứ Nghệ từng lên tiếng khẳng định rằng lựa chọn nhân sự của mình dựa theo phong độ, năng lực, và sự phù hợp với triết lý xây dựng đội bóng chứ không hề có tư tưởng vùng miền. Thế nhưng hơn ai hết, Hữu Thắng là người cảm nhận rõ nhất những sức ép bủa vây từ nhiều phía với những lựa chọn dùng "quân Nghệ" làm nòng cốt chính của ĐTVN.
Thực tế, suốt cả một hành trình chuẩn bị cho chiến dịch AFF Cup với tất cả những giải giao hữu, trận đấu cọ xát và các chuyến tập huấn quan trọng, Hữu Thắng luôn chứng minh được con đường đang đi và sự lựa chọn của mình là hoàn toàn chính xác. Với bộ khung "quân xứ Nghệ và những người bạn", ĐTVN chơi tốt, để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng NHM.
Đấy được xem là cơ sở, để Hữu Thắng trao gửi niềm tin vào những học trò thân tín của mình. Bất chấp những chỉ trích ám chỉ rằng ông thầy 45 tuổi này quá ưu ái cho quân xứ Nghệ, Hữu Thắng vẫn một mực bảo lưu quan điểm nhất quán của mình: Tôi là người có quyết định cao nhất về chuyên môn và nếu có sai lầm thì tôi phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên.
Tin thì mới dùng và sẵn sàng "bỏ ngoài tai" những chỉ trích của dư luận để đi "ngược chiều gió", Hữu Thắng coi đấy như một "canh bạc" thực sự.
Niềm tin của Hữu Thắng được thể hiện qua cách mà nhà cầm quân này mang theo 10/23 cầu thủ có gốc xứ Nghệ tham dự AFF Cup 2016. Mỗi trận đấu luôn có 5-8 cầu thủ "uống nước Sông Lam" trong đội hình của ĐTVN.
Tất cả những người được Hữu Thắng trao cơ hội là những người thân tín nhất, từng là học trò cũ nhiều năm gắn bó ở SLNA. Thế nhưng tất cả những cầu thủ được Hữu Thắng tin tưởng nhất đều mắc sai số, không còn là chính mình ở những thời điểm quyết định.
Đó là Đình Luật với chiếc thẻ đỏ ngớ ngẩn trước Campuchia. Là Quế Ngọc Hải với tình huống dẫn đến quả penalty, đẩy Việt Nam vào thế bất lợi trước Indonesia ở bán kết lượt đi. Là Đình Đồng với tình huống phản lưới nhà và Nguyên Mạnh với chiếc thẻ đỏ không thể đáng trách hơn ở trận bán kết lượt về tại Mỹ Đình.
Chấp nhận "đánh bạc" và Hữu Thắng thất bại, bởi những sai lầm của những học trò thân tín nhất, đến theo cách khó ngờ nhất. Phải dừng chân ở bán kết AFF Cup 2016 theo cách như thế, với Hữu Thắng là nỗi đau, sự thất vọng đến tột cùng. Đó mới điều nghiệt ngã sau một canh bạc mà nhà cầm quân xứ Nghệ đặt trọn niềm tin!
Và nếu Hữu Thắng tiếp tục được VFF tin dùng ở kỳ SEA Games 29 tới đây trên đất Malaysia, chắc chắn những thất bại sau kỳ AFF Cup lần đầu cầm ĐTVN sẽ là bài học xương máu với nhà cầm quân gốc xứ Nghệ.
Thât bại và lộ ra rất nhiều mặt hạn chế trong cách dùng người ở AFF Cup 2016, Hữu Thắng vẫn nhận được sự nể trọng của số đông các học trò. Sống đàn ông và thể hiện tư chất của một người đàn anh, nhà cầm quân xứ Nghệ thu phục được nhân tâm, được lòng các cầu thủ.
Nhìn từ thất bại AFF Cup 2016 (Kỳ 2): Nếu Hữu Thắng cầm quân ở SEA Games 29?