Nhà báo Phan Đăng: Thầy Hùng và anh Thắng
Ngày ra mắt HLV Nguyễn Hữu Thắng, người ta thấy sự xuất hiện của cựu thuyền trưởng ĐTQG Phan Thanh Hùng. Khi đứng chụp ảnh cùng tân HLV trưởng ĐTQG, trong khi hàng loạt quan chức VFF, Hội đồng HLV QG diện vest thì riêng thầy Hùng mặc quần bò, áo len, đứng ở ngoài cùng tạo thành một "cái gu" khác hẳn.
Chợt nhớ, 4 năm trước, cũng trong một ngày như thế này, thầy Hùng đã đứng đúng ở cái chỗ thầy trẻ Nguyễn Hữu Thắng đang đứng bây giờ. Thời điểm ấy, khi HLV Falko Goetz ra đi và khi HLV Phan Thanh Hùng đã có những lời đánh giá được cho là "không thể chính xác hơn" về những cái yếu, cái thiếu của Falko Goetz sau kỳ SEA Games năm 2011 thì ai cũng hiểu trước sau gì thầy Hùng cũng sẽ ngồi lên ghế thuyền trưởng ĐTQG.
Ngày ông Hùng nhậm chức, người ta vẫn thấy nụ cười hiền, cùng cách nói chuyện dễ chịu, đầy thiện cảm. Và khi một nhà báo đặt câu hỏi: "Vừa cầm quân HN.T&T, lại vừa cầm quân ĐTQG liệu có quá sức không?" thì thầy Hùng đã trả lời rất đơn giản và rất sắc: "Ồ! Tôi vẫn thấy mình khoẻ lắm, hàng ngày tôi vẫn chạy, tập thể dục hàng chục cây số mà chẳng mệt mỏi gì".
Nhưng đấy là chuyện của ngày nhậm chức. Sau này, khi dấn thân vào cái trận địa AFF Cup 2012 nhiều cạm bẫy thì thầy Hùng mỗi lúc một hoảng, mà bằng chứng rõ nét là sau trận ra quân suýt thua Myanmar, thầy Hùng đã không xuất hiện trong buổi họp báo mà người thay thế khi ấy là trợ lý Hoàng Anh Tuấn, rồi đến trận gặp Philippines, khi chúng ta thua sốc 0-1, chính thức rời cuộc chơi thì người họp báo lại là ông Trưởng đoàn Ngô Lê Bằng.
Có thể nói, thầy Hùng đen đủi khi các cầu thủ không còn "bụng dạ nào lên Tuyển" trong một bối cảnh nhiều CLB đứng trước nguy cơ giải thể, nhiều cầu thủ hoang mang về tương lai và khả năng ra đường. Nhưng phần khác, cũng phải thẳng thắn thừa nhận phương pháp cầm quân theo "chủ nghĩa duy tình" của thầy Hùng không phù hợp ở cấp độ ĐTQG, giống như nó đã phát huy ở cấp độ CLB.
Bây giờ thì thầy Hùng đã đứng ở rìa cuộc chơi, chỉ xuất hiện ở ngày nhậm chức của thầy trẻ Nguyễn Hữu Thắng trong tư cách là một thành viên của Hội đồng HLVQG và mong muốn đóng góp, ủng hộ và hỗ trợ người đồng nghiệp đi sau với tư cách một người từng thất bại, có những bài học đau thương. Nhưng nhìn vào sự xuất hiện ấy, người ta cũng phải chột dạ đặt ra nhiều câu hỏi: Từ Phan Thanh Hùng đến Hữu Thắng, ĐTVN nói chung và số phận những ông thầy nội nói riêng rồi sẽ đi theo một lộ trình nào?
Nếu Phan Thanh Hùng là điển hình của thứ chủ nghĩa duy tình trong việc quản quân và cầm quân thì ngược lại, thầy Thắng lại mang màu sắc của một thứ chủ nghĩa quyền lực - một kiểu quyền lực rất “đại bàng”. Nếu với thầy Hùng, chỉ có chuyện các cầu thủ "thương thầy mà đá” thì với HLV Hữu Thắng, ở cấp độ CLB trước đây lại là chuyện các cầu thủ "sợ thầy, nể thầy" mà chơi.
Cần nhắc lại, sau thầy Hùng, vị HLV trưởng tiếp theo của ĐTVN Hoàng Văn Phúc cũng là một con người theo chủ nghĩa duy tình, và ông Phúc rồi cũng thất bại chỉ sau một thời gian cầm quân ngắn ngủi. Còn bây giờ là Nguyễn Hữu Thắng, một thầy nội khác hẳn so với những thầy nội trước đây. Và nhờ thế, bộ mặt và thành tích của ĐT rồi cũng đi theo chiều hướng khác?
Từ Thanh Hùng đến Hữu Thắng là một khoảng cách 4 năm nhưng từ thầy Hùng đến anh Thắng sẽ là sự khác biệt của 2 thế giới.
Nếu ở thế giới thứ nhất, thầy Hùng đã không thể có được một chữ "thắng" thì hy vọng ở thế giới thứ hai, một người dũng cảm, nổi tiếng là dám nói dám làm, dám làm dám chịu như thầy Thắng rồi sẽ có được một chữ "hùng"!