Thủ môn U23 Việt Nam, ngôi nhà nhỏ và chiếc máy chạy bộ... to hơn cửa ra vào
Nếu chuyến hành trình xuyên qua VCK U23 châu Á 2018 là một bản anh hùng ca, thì cuộc hồi hương của U23 Việt Nam lại nhuốm màu bi hài kịch.
Lâu lắm rồi bóng đá Việt Nam mới có được một lứa cầu thủ vừa hiền lành, vừa giỏi, lại vừa năng động trong cuộc sống như vậy. Nguyễn Phong Hồng Duy trước khi ra sân thi đấu vẫn không quên chăm sóc khách hàng đặt son môi để kiếm thêm thu nhập trong bối cảnh lương cầu thủ không dư dả. Đỗ Duy Mạnh luôn sẵn sàng làm shipper cho shop kinh doanh đồ ngủ của người yêu.
Phạm Xuân Mạnh, chàng trai dễ thương vừa cùng đồng đội Phan Văn Đức có buổi trò truyện trực tiếp tại trụ sở Webthethao.vn, gom góp tiền thưởng giúp bố mẹ trả khoản nợ sửa nhà. Bùi Tiến Dũng lên kế hoạch mua máy giặt cho mẹ đỡ vất vả.
Không thấy ai trong số các học trò của HLV Park Hang Seo ấp ủ gì cho bản thân. Bởi xét cho cùng, nếu không phải bởi họ ngoan, thì khoản tiền thưởng mà họ sắp được nhận cũng không phải quá lớn để có thể tiêu xài thoải mái vào những việc thiếu thiết thực.
Nhưng các nhà "hảo tâm" có vẻ không hiểu hoặc cố tình lờ đi điều đó. Ngay sau khi phải đối mặt với thách thức từ những đối thủ to cao hơn mình trên sân cỏ, các chàng trai chưa nhiều trải nghiệm của U23 Việt Nam lập tức phải xử lý hàng loạt những "món quà" khó đỡ ngoài đời.
Bỏ qua những gì đã xảy ra trên máy bay và trên xe buýt, thủ môn Nguyễn Văn Hoàng trở về nhà và bối rối không biết phải xử trí ra sao khi thấy một chiếc máy chạy bộ khổng lồ đặt trước cửa.
Quà tặng mà không nhận là bất lịch sự, nhưng nếu nhận e là sẽ bất tiện muôn phần. Giá như gia đình Hoàng sống trong biệt thự và bố mẹ Hoàng không có điều kiện vận động chân tay, chiếc máy chạy bộ bề thế kia rõ ràng là quá phù hợp.
Đằng này, tổ ấm của thủ môn U23 Việt Nam cũng chỉ đủ ăn đủ mặc. Bố mẹ Hoàng chắc chắn không cần sử dụng thứ đồ vật xa xỉ kia. Còn Hoàng đang khoác áo Sài Gòn FC nên chẳng mấy khi ở nhà mà tập chạy bộ trên máy.
Muốn đón nhận “lòng tốt” của nhà tài trợ, gia đình Hoàng chẳng lẽ lại phải… xây lại nhà hoặc ít nhất là phá rộng cửa để đưa chiếc máy chạy bộ vào trong? Hay là nhà tài trợ vì lỡ đâm lao đành theo lao tặng luôn gia đình Hoàng… một cơ ngơi mới để có chỗ đặt chiếc máy chạy bộ?
Nhưng gượm đã, có một chi tiết bất thường ở đây. "Căn nhà" trong bức ảnh thực chất lại không phải nơi sinh hoạt thường nhật của gia đình Hoàng. Đó chỉ là nhà kho. Câu hỏi đặt ra: Tại sao nhà tài trợ lại không đặt chiếc máy chạy bộ ở nhà chính mà lại mang ra chỗ nhà kho xập xệ và yêu cầu các thành viên trong gia đình thủ môn U23 Việt Nam đứng đó để chụp ảnh?
Họ cố tình "chơi chiêu", tạo sốc để khuếch trương thương hiệu như Vietjet Air đã làm? Nếu vậy thì quả thực là không còn gì để nói nữa.
Nếu thực lòng vì các chàng trai vàng của HLV Park Hang Seo và bóng đá Việt Nam, các nhà tài trợ nên hành động xuất phát từ tấm lòng, chứ đừng chỉ nghĩ đến yếu tố thương mại. Càng bị nhiều những trò lố lăng bủa vây, các cầu thủ trẻ càng khó có thể bình tâm mà đá bóng.
Các em thi đấu thành công, sự ghi nhận từ cộng đồng là tất yếu. Thật buồn khi cách ghi nhận của người lớn tại quê nhà đang khiến các cầu thủ trẻ ngoan hiền bị cuốn vào một “trận đấu” đáng sợ gấp bội so với khi đứng giữa cơn mưa tuyết mịt mù ở Thường Châu.
Phần đông dư luận lâu nay vẫn ra rả rằng cầu thủ Việt Nam kém văn hóa, ít học. Nhưng qua câu chuyện liên quan đến cuộc hành trình trở về của đội U23 Việt Nam, có lẽ mọi thứ đã đảo ngược.