"Phù thủy" billiards Efren Reyes - vận động viên siêu “dị”, đặc biệt nhất SEA Games 31
Có tất cả, chỉ thiếu HCV SEA Games các nội dung carom: Đây ắt hẳn là tâm trạng của "phù thủy biliards" Efren Reyes, khi từ Philippines đến Việt Nam dự SEA Games 31. Kỳ thủ này chưa nhập cuộc đã sớm tạo dấu ấn. Ông là vận động viên lớn tuổi nhất Đại hội lần này qua 67 mùa chim én lượn. Ông có thâm niên dự SEA Games nhất do bắt đầu góp mặt kể từ năm 1987. Ông có bộ sưu tập thành tích vào hàng "khủng" nhất thế giới, thậm chí còn là cơ thủ đầu tiên vô địch thế giới ở 2 nội dung pool 8 bi và 9 bi.
Riêng tại SEA Games, Efren Reyes có HCV snooker và HCV billiards Anh cùng năm 1987. Nhưng ở SEA Games, ông chỉ có 4 HCĐ carom 1 băng và 1HCĐ carom 3 băng. Đó là lý do đến SEA Games 31, "phù thủy biliards" của Philippines chỉ tham gia 2 nội dung là carom 1 băng và carom 3 băng.
"Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng", Efren Reyes luôn khóc hận tại SEA Games khi đối đầu với các cơ thủ carom Việt Nam. Đặng Đình Tiến, Dương Anh Vũ, Mã Minh Cẩm, Trần Phi Hùng, Nguyễn Quốc Nguyện, Ngô Đình Nại, Phạm Cảnh Phúc là những cơ thủ Việt Nam từng khiến huyền thoại Philippines phải đau khổ ngước nhìn từ bục trao thưởng.
Thua các cơ thủ Việt Nam riết tới phát nản, Efren Reyes từng có ý định giải nghệ sau SEA Games 30 khi tuyên bố: "Tôi có lẽ sẽ làm HLV cùng bạn thân Django. Tôi chưa rõ mình còn có tiếp tục đánh hay không".
Liệu lần này tại SEA Games 31, bộ tứ Phạm Quốc Tuấn, Nguyễn Trần Thanh Tự, Trần Quyết Chiến và Nguyễn Đức Anh Chiến có tiếp tục gieo sầu cho "phù thủy biliards" 67 tuổi hay không?
Nhưng cho dù dưới "cơ" các vận động viên carom Việt Nam, "phù thủy biliards" sinh ngày 26/8/1954 vẫn có một sự nghiệp đồ sộ đủ để nhiều nhà phân tích, người hâm mộ cùng các đối thủ xem ông như tay cơ vĩ đại nhất lịch sử.
Thắng tổng số hơn 100 danh hiệu quốc tế, Efren Reyes vô địch thế giới pool 8 bi 4 lần, pool 9 bi 1 lần, US Open 3 lần, World Pool League 2 lần, Derby City Classic 13 lần, World Cup of Pool 2 lần.
Ông còn từng hạ huyền thoại Mỹ Earl Strickland - tay cơ cùng Shane Van Boening giữ kỷ lục 5 lần vô địch US Open - tại giải Color of Money năm 1997 để nhận tiền thưởng cao nhất lịch sử cho 1 trận đấu là 100.000 USD.
Tới năm 2001, Efren Reyes tham dự Tokyo Open có hơn 700 cơ thủ tranh tài và tổng thưởng đến 850.000 USD. Ông dễ dàng giành ngôi vô địch để nhận 163.000 USD. Vào lúc đó, đây là giải đấu có tiền thưởng cao nhất lịch sử.
Có biệt danh "phù thủ" do kỹ thuật siêu hạng, Efren Reyes biết đến billiards từ lúc nhỏ, khi chuyển tới Manila hồi 5 tuổi để sống với người chú làm chủ một phòng billiards. Mới lên 9 tuổi, ông đã đủ sức thắng độ.
Giới chuyên môn đánh giá Efren Reyes có lối chơi sáng tạo. Tạp chí Billiards Digest bầu chọn ông là cơ thủ tiêu biểu trong năm 1995. Pro Billiards Tour của Mỹ xếp ông là số 1 năm 1996. Đến năm 2003, ông trở thành cơ thủ châu Á đầu tiên được đưa vào Nhà lưu danh của Billiards Mỹ. Ông còn được nhiều giải thưởng, cũng như sánh ngang Shane Van Boening về số tiền thưởng nhiều nhất thế giới trong 1 năm tới 7 lần liền.