Vì sao thể hình Campuchia buộc phải có Vàng hoặc Bạc tại SEA Games 31?
Theo Ủy ban Olympic Campuchia (NOCC), Liên đoàn Thể hình Campuchia (CBFF) sẽ cử 4 lực sĩ đến Việt Nam tranh tài ở SEA Games 31. 4 lực sĩ cùng 1 HLV thể hình của CBFF sẽ thuộc đoàn thể thao Campuchia lên tới 500 người góp mặt ở SEA Games dự kiến diễn ra từ 12-23/5/2022. Trước đó, NOCC cũng xác định Campuchia sẽ cử vận động viên tranh tài ở 32 trong tổng số 40 môn tại SEA Games 2022.
Ngoài thể hình, Campuchia còn có đại diện ở các môn bóng chày, petanque, taekwondo, muay Thái, kickboxing, tennis, cầu lông, đấu kiếm, jiu-jitsu, bóng bàn, karate, dancesport, boxing, bóng đá, e-sports, cầu mây, bơi, bóng chuyền, bóng rổ, TDDC, vật, điền kinh...
Chủ tịch CBFF Tek Bunvy khẳng định mục tiêu của thể hình Campuchia là đoạt ít nhất 1 HCV hoặc 1 HCB ở SEA Games 31. Ông giải thích lý do đề ra mục tiêu này là nhằm gia tăng cơ hội để thể hình được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của SEA Games 2023 tổ chức tại Campuchia. Đến lúc này, thể hình đang nằm trong danh sách "thử nghiệm" hoặc "dự bị" của SEA Games 32.
Ông Tek Bunvy còn tiết lộ các lực sĩ thể hình của Campuchia sẽ tranh tài ở 3 hạng cân của SEA Games 31, bao gồm hạng -80kg và -85kg. Theo đánh giá của giới chuyên môn, các lực sĩ thể hình Campuichia đủ khả năng đoạt huy chương ở cả 2 SEA Games 31 và 32.
Trong mấy năm qua, thể hình Campuchia phát triển khá ổn. Năm 2015, Campuchia tổ chức giải Vô địch Đông Nam Á lần 5, đánh dấu lần đầu vương quốc này tổ chức sự kiện quốc tế lớn về bộ môn thể hình.
Tại giải đó, các lực sĩ Campuchia đoạt 4 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ, cho dù đụng độ các đại diện của Thái Lan, Việt Nam, Malaysia... Sok Sopheak - lực sĩ thể hình thành công nhất lịch sử Campuchia - từng đoạt HCB giải Vô địch châu Á 2013 và hạng 4 ở SEA Games 2013 tại Myanmar.