Golden Super Bowl 50: Cuộc chơi kim tiền
1. Giá trị của trận đấu
Theo Forbes, Super Bowl 50 được định giá khoảng 620 triệu USD, phá vỡ kỷ lục của trận boxing thế kỷ giữa Floyd Mayweather và Manny Pacquiao năm ngoái (được xác định khoảng 600 triệu USD).
- 2. Giá vé
Nếu như giá vé trung bình để vào sân năm ngoái là 4.313 USD đã là 1 kỷ lục, thì năm nay, con số đó đã chính thức bị xô đổ với giá vé trung bình khoảng 5.020 USD, trong đó, mức vé thấp nhất có giá 4.020 USD.
Ngoài ra, những khách sạn tại Santa Clara cũng đã cháy phòng từ lâu dù giá đã tăng từ 5-6 lần so với ngày thường.
- 3. Tiền cá cược
-
Năm ngoái, 115,9 triệu USD đã được đổ vào nhà cái ở Las Vegas, mang về lợi nhuận khoảng 3,2 triệu USD. Trong 25 năm qua, mới chỉ có 2 lần Las Vegas bị “lỗ” so với người chơi.
Còn theo tính toán của Hiệp hội cá cược Mỹ, tổng số tiền đem ra đánh cược ở trận đấu tới đây sẽ rơi vào khoảng 4,2 tỷ USD – cao hơn 8% so với năm ngoái – trong đó, có đến 97% là cá cược bất hợp pháp.
- 4. Giá trị của mỗi đội
Trong khi Denver Broncos được định giá khoảng 1,94 tỷ USD thì đối thủ của họ, các cầu thủ Carolina Panthers có giá trị khoảng 1,56 tỷ USD, theo tính toán của Forbes.
- 5. Tiền thưởng cho cầu thủ
-
Mỗi cầu thủ giành chiến thắng sẽ kiếm được 102.000 USD, còn đội thua cuộc sẽ có 51.000 USD cho mỗi người.
Ngôi sao của đội Broncos, Peyton Manning là VĐV có thu nhập cao nhất so với các đồng nghiệp góp mặt trong trận Super Bowl 50 khi đã kiếm được 247 triệu USD trong sự nghiệp theo bảng xếp hạng của Spotrac. Đứng thứ 2 và thứ 3 lần lượt là là em trai của Manning, Eli với 188 triệu USD và Tom Brady với 163 triệu USD.
- 6. Tiền chạy quảng cáo cho 30 giây
Quảng cáo tại Super Bowl là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của mỗi mùa Super Bowl, nơi mà bất cứ hãng sản xuất nào được góp mặt cũng đã là một vinh dự.
Năm nay công ty truyền thông CBS của Mỹ đã đặt ra một hạn mức mới khi quyết định chi 5 triệu USD cho mỗi 30 giây quảng cáo trong trận đấu, tăng 400.000 USD so với kỷ lục cũ 2015 và cao hơn 12,5% so với số tiền cho 30 giây quảng cáo lần đầu tiên năm 1967.
Năm nay cũng là lần đầu, những hãng như LG, Pokemon, Colgate, Buick, PayPal hay SoFi tham gia quảng cáo.
Còn xét về tổng số tiền quảng cáo, hãng chuyên sản xuất nước giải khát của Bỉ, Anheuser-Busch Inbev đang giữ kỷ lục khi đã chi 287,3 triệu USD tiền quảng cáo trong 10 năm qua, theo thống kê của Kantar Media. Pepsi đứng thứ 2 với con số 172 triệu USD, tiếp sau là Coca-Cola, Chrysler và General Motors.
- 7. Chi phí mời rock band nổi tiếng Coldplay
Thật ngạc nhiên, khi Coldplay sẽ nhận được… 0 đồng để biểu diễn vào tối chủ nhật tới đây. Tuy nhiên, điều mà ban nhạc người Anh này nhận được có lẽ còn lớn hơn thế.
Năm ngoái, buổi trình diễn giữa trận - một đặc sản tại Super Bowl - của “Công chúa nhạc Pop” Katy Perry đã thu hút khoảng 118,5 triệu người xem cho 12 phút biểu diễn. Và đó cũng là điều mà ban nhạc do danh ca Chris Martin đứng đầu hướng tới và hy vọng, sự kiện này sẽ giúp Coldplay tăng đáng kể một lượng fan ở thị trường âm nhạc Mỹ, vốn đã rất lớn.
- 8. Tiền dịch vụ
Theo hãng kiểm toán PwC US, số tiền các tổ chức, doanh nghiệp và fan hâm mộ dùng để ăn ở, đi lại, giải trí và sử dụng các dịch vụ khác năm nay sẽ đạt mức 220 triệu USD, lớn hơn khoảng 15 triệu USD so với sự kiện Super Bowl 2015.
Trận Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ 2016 giữa Denver Broncos và Carolina Panthers sẽ được diễn ra trên sân vận động Levi’s Stadium ở Santa Clara, California vào lúc 18h30 (giờ địa phương) ngày 07/02.
Ngoài Coldplay, Golden Super Bowl 50 còn có sự tham gia của “Nữ hoàng giải trí” Beyonce và chủ nhân của rất nhiều bản hit trên BXH âm nhạc Billboard, Bruno Mars.