Nỗi lòng cay đắng của VĐV làm nhiệm vụ quốc gia
Năm 2007, mới ở tuổi 25 và lại đang ở đỉnh cao phong độ, Duy Bằng bất ngờ xin rút lui khỏi ĐTQG. Dù có nhiều lý do, song Bằng đã thẳng thắn chỉ ra sự bạc bẽo theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” đối với VĐV của thể thao cho nên anh phải tự lo cho bản thân và có lựa chọn cho tương lai của mình.
Ngày đó, vẫn còn được giữ nguyên chế độ ở địa phương mà tổng thu nhập của Bằng chỉ vỏn vẹn 2,9 triệu đồng (chế độ 1,2 triệu đồng trên ĐTQG cùng lương 1,7 triệu đồng của Bến Tre). Sau đó, được vận động nên Bằng đã quyết định trở lại, song cũng chỉ thêm được 1 năm nữa cho đến hết SEA Games 24. Và Bằng thậm chí dám thừa nhận rất thẳng rằng mình không có nổi “một chút động lực nào nữa”.
Cách hành xử của Duy Bằng khi ấy có thể làm phật lòng các nhà quản lý, huấn luyện. Tuy nhiên, nó đã phơi bày một sự thật bức bách của TTVN, khi các VĐV không có quyền đòi hỏi được đầu tư, chăm lo xứng đáng với tài năng, công sức của họ.
Đến SEA Games 25, kỷ lục gia nhảy cao lại tiếp tục được ngành thể thao triệu tập lên ĐTQG và anh lại từ chối, với một cách lý giải có thể khó nghe song rất thực tế: “Ai lo cho tôi?”. Ở thời điểm đó, Bằng đang thuê nhà trọ, vợ anh lại sắp sinh. Cựu tuyển thủ quê Bến Tre đã phải làm đủ việc, thậm chí đi dạy tennis để có được mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Nếu lên Tuyển, thu nhập của Bằng chỉ còn lại đúng 3 triệu đồng. Đó là lý do VĐV này cho rằng ngành thể thao không thể và không chỉ mãi đòi hỏi sự hy sinh, nỗ lực đơn phương của VĐV.
Thật đáng buồn cho TTVN, cùng hàng ngàn tuyển thủ của mấy chục ĐTQG, lời nói cũng là câu hỏi đầy cay đắng “Ai lo cho tôi?” của Bằng sau cả chục năm vẫn còn nguyên giá trị. Thậm chí, nó còn đúng hơn cả cái thời của anh, bởi mức tiền ăn, tiền công của các VĐV cũng ngày càng “trượt” dài trước trong điều kiện vật giá leo thang.
Và chưa ai có thể trả lời được câu hỏi, bao giờ các tuyển thủ quốc gia được nhận mức tiền công tập luyện trong màu áo ĐTQG chỉ 300 ngàn đồng/ngày để có một mức thu nhập đủ sống, dù chỉ trên dưới 7 triệu đồng.