Ấn tượng thể thao: Vinh quang nhuốm đầy mồ hôi và nước mắt

thứ ba 8-9-2015 22:06:14 +07:00 0 bình luận
Trong cuộc sống của một Vận động viên thể thao, có những khoảnh khắc qua đi là những giây phút đi xuyên suốt cuộc đời và nó là ký ức nhớ không thể xóa nhòa.

Khi chấp bút viết về những tháng ngày tập luyện miệt mài của những VĐV môn võ, tôi như một lần nữa đồng cảm và trân quý những giọt nước mắt và máu đã đổ ra của họ.

Có thể, đối với rất nhiều người, họ yêu thể thao bằng nhiều cách khác nhau và hâm mộ môn thể thao vua, còn chúng tôi những người lặng lẽ đưa về những tấm huy chương đủ mọi màu của các giải đấu từ cấp châu lục đến thế giới vẫn âm thầm lặng lẽ cống hiến cho một nền võ học mang đậm tinh thần đất Việt.

Đối với đời của một VĐV Wushu Sanshou (Tán thủ) như tôi và đồng môn các môn võ khác, kể về kỷ niệm và các ấn tượng thể thao thì sẽ có rất nhiều và cũng đầy xúc cảm, đủ để viết nên những chương dài của những tháng ngày đầy cơ cực của sức “nóng” giành huy chương. Nhưng tôi sẽ viết về một khía cạnh nhỏ trong đời mà dường như VĐV nào cũng đã từng phải can qua và bước tới, đó chính là ép cân và đôn cân.

Trong một năm sẽ có rất nhiều giải đấu và chiến thuật sẽ thay đổi theo cấp độ giải đấu cũng như nhận định đối thủ của Ban huấn luyện, ở đó có hai sự lựa chọn, tập luyện khốc liệt để giảm trọng lượng thực tế xuống, như đang ở 56kg ép xuống đánh hạng 52 kg. Và để tạo lợi thế cho mình trên sàn đấu, nhiều VĐV bước vào chu kỳ ép cân đặc biệt.

Tôi đã từng nghe rất nhiều người thắc mắc tại sao kình ngư Ánh Viên của môn Bơi lội lại có thể ăn nhiều đến vậy, thực ra đó là chế độ dinh dưỡng để đạt được tiêu chuẩn của buổi tập. Chúng tôi cũng vậy, sẽ có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, những năm 2000 khi điều kiện về cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chúng tôi tập luyện và ăn uống với một chế độ khá hà khắc.

Một ngày theo lời khuyên, chúng tôi chỉ ăn tầm nửa bát cơm, thịt bò mấy miếng và thêm quả trứng. Đó là chế độ ăn những ngày đầu ép cân, còn để bước vào tập luyện đó là cả một vấn đề lớn. Chúng tôi tập từ 5h sáng, khi mà mọi người vẫn còn đang say giấc, tập đến 7h sáng, sau đó thả lỏng và về ăn sáng. Đến 8h sáng bắt đầu tập ca 2, đến 10 giờ sau đó nghỉ buổi sáng. Buổi chiều bắt đầu từ 14h30 đến 16h30 nghỉ và thả lỏng, và tiếp theo từ 19h30 đến 21h30 là kết thúc một ngày tập. Đặc điểm của những môn võ thường đấu đêm, VĐV phải tự thích ứng với nó và hoàn thiện mình theo từng buổi tập.

Những ngày đầu, nhìn chúng tôi còn có chút sinh khí nhưng bước vào tập căng chúng tôi quá mất sức. Mỗi ngày mặc áo mưa chạy tầm 3 – 7km, dù trời nắng hay mưa, leo cầu thang bộ, sau đó mặc luôn bộ đồ ép cân đấm đá, thực hiện các động tác kỹ chiến thuật, nó vướng víu và nóng nực, khiến chúng tôi lả đi vì mất nước. Trong lúc chúng tôi chỉ được uống nước bằng giọt chứ không thể uống nhiều, mỗi lần tắm, nhìn dòng nước chảy, miệng khô rát, chỉ dám ghé miệng vào dòng nước để nó chạy tuột qua cho quên đi cảm giác thèm thuồng.

Đối với ép cân, phải có một ý chí thép và tự răn bản thân trước những cám dỗ của các món ăn khi mình đói, có những lúc tập xong vì quá mệt mỏi ăn chỉ một chén chè rất nhỏ, nhưng đứng lên cân thì mới là khủng khiếp, khi ép nước người mất hết nước, chỉ ăn có vài miếng nước, các mao mạch của cơ thể đã nở ra và trọng lượng lại lên.

Thông thường đến bữa cơm, những VĐV ép cân sẽ được ngồi cùng mâm để ăn đúng chế độ và tự bảo nhau chỉ ăn đúng khẩu phần, chúng tôi không chỉ phải đấm đá tốt mà ngay đến ăn cũng phải rèn luyện để mình có được thành quả cho ngày ép cân.

Mọi việc chưa là gì nếu chỉ mới phải ăn đói, chúng tôi còn phải tập cường độ căng, cứ sau mỗi tổ, tim đập quay cuồng, người thở dốc, hoa mắt vì đói, trọng lượng bất cân, người như đang đi trên mây. Đó là chưa kể phải nhanh tay nhanh mắt, tránh đòn của đối thủ và ra đòn chuẩn xác.

Có những hôm đấu tập, vì để thể hiện được sự tiến bộ của quá trình tập huấn, đã không ít lần bạn bè mình máu đã đổ không chỉ trên mí mắt mà ở chân và tay. Nhìn những giọt máu chảy trên đôi chân đầy mồ hôi, mắt nhắm lại mặn chát, miệng khô khốc và thở dốc, những lúc đó chúng tôi phải rèn ý chí sắt thép cho mình, vì nếu buông bỏ sẽ coi như mọi nổ lực đổ xuống sông xuống bể.

Những đôi chân thâm quầng, được quấn đầy đủ loại băng, mọi người nhìn chúng tôi thật thảm hại, nhưng nếu giành được thành tích, mọi đau đớn của ngày hôm nay đó sẽ nhẹ tựa lông hồng, bởi vì đó là nghề của chúng tôi.

Nếu quá trình tập luyện không trải qua những giây phút chạy ở sân vận động như VĐV Điền kinh, và quay về nhảy dây mặc quần áo mưa, rang mình giữa trời nắng 38 – 39 độ quả là không dễ chịu. Nhưng chúng tôi tự bảo nhau rằng có ngày khổ tận cam lai, sẽ có lúc ta được viên mãn nụ cười hạnh phúc.

Đối với người ép cân khổ cực, người đôn cân có những nỗi lòng riêng, từ cân 68kg ăn để đôn lên 75kg, họ lại phải ăn gấp mấy lần ngày thường. Tôi đã từng chứng kiến bạn mình ăn 2 tô phở, uống 1 chai nước khoáng 1,5 lít để đi cân và nôn ngay sau khi cân xong.

Sẽ chẳng có gì là ấn tượng vì ai cũng bảo đây là chuyện thường ngày của VĐV võ, nhưng nó là ký ức để đời, trong một giải đấu, có 1 VĐV của TP.HCM, xin phép không nêu tên, khi vào cân để bước vào giải, cậu ta chỉ thiếu đúng 2 gam. Cậu buộc phải chạy bộ quanh nhà thi đấu, mặc áo mưa nhảy dây, sau 15 phút vẫn thiếu 1 gam, lần cuối cùng cho cơ hội chốt, cậu đã cởi nốt chiếc quần con trên người mình mặc, cả khán phòng ồ lên, nhưng tôi hiểu sự hy sinh đó cũng chỉ vì tiếc cho những tháng ngày mệt mài tập luyện.

Có VĐV tập căng vào cân và ra ngất lịm, huấn luyện viên phải đổ nước vào đầu để tỉnh lại, hình ảnh đó luôn theo sát tôi từ ngày ấy và cho đến bây giờ vẫn không hề phai nhạt.

Chính vì lẽ đó, khi chấp bút viết lên những dòng này tôi chỉ muốn nói rằng, đằng sau tấm huy chương là máu, nước mắt và bội bạc vì khi giã nghiệp rất nhiều VĐV phải làm lại từ đầu và sống với bao giông gió của cuộc đời.

Xin gửi những lời đồng cảm và chia sẻ cùng các thế hệ VĐV đã từng là đối thủ, là bạn và đồng môn, một vài ký ức và nỗi lòng để chúng ta biết rằng, vinh quang đã là quá khứ, nhưng nó mãi là ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người để chúng ta biết quý trọng những gì của ngày hôm nay và phát huy được tinh thần võ học Việt Nam.

NGUYỄN THỊ THẢO

Đây là bài viết tham dự cuộc thi “Ấn tượng thể thao” do báo Thể thao 24h tổ chức. Mời bạn đọc tham khảo nội dung của cuộc thi tại , và thể lệ cũng như giải thưởng của cuộc thi tại .

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội