Bơi lội Việt Nam, hành trình từ đáy tới đỉnh – Kỳ 1: 10 năm vô vọng tranh huy chương
Dự tranh ngay từ kỳ Đại hội tái hội nhập trở lại vào năm 1989, song đến SEA Games 1999, tức là 10 năm tròn, bơi Việt Nam vẫn không giành nổi tấm huy chương nào. Khi đó, môn này bị đánh giá tụt hậu so với mặt bằng chung ĐNÁ tới 2 thập kỷ.
3 thập kỷ mất hoàn toàn “đỉnh cao”
Khi hội nhập quốc tế trở lại, bơi Việt Nam đã trải qua một thời kỳ mất đỉnh cao hoàn toàn, kéo dài tới hơn 30 năm. Một phần do điều kiện khách quan, phần chủ yếu từ quan điểm của chính ngành thể thao nên bơi chỉ được đinh hướng phát triển ở mức… phong trào thuần túy.
Kể từ lứa ít ỏi của kỷ lục gia Vũ Thị Sen, kình ngư đoạt HCV Đại hội thể thao các nước mới trỗi dậy (Ganefo) 1966, môn này đã coi như không còn các VĐV đúng nghĩa. Cộng thêm cơ sở vật chất quá hạn chế với các hồ bơi cốt sao chỉ để bơi được, không theo chuẩn quốc tế, cùng sự tách biệt hẳn với thế giới, đã khiến bơi Việt Nam chìm nghỉm.
Sau năm 1975, cũng vì quá tập trung cho việc thúc đẩy phong trào, những người làm bơi cũng chưa nghĩ gì đến mảng đỉnh cao. Thậm chí, một số VĐV tuổi còn trẻ, đang có phong độ tốt cũng chỉ được huy động chủ yếu cho việc làm hướng dẫn viên bơi còn chuyện tập luyện thi đấu nhắm tới thành tích không hề được đặt ra.
10 năm “chết chìm”
SEA Games 1989 khi TTVN bắt đầu hội nhập trở lại với đại gia đình thể thao khu vực ĐNÁ, bơi cũng lập tức góp mặt. Và tất cả đã thấy ngay một sự thật phũ phàng, khi các VĐV Việt Nam tốt nhất thời điểm ấy đã tụt lại một khoảng quá xa. Dù chỉ dự tranh một số cự ly ngắn ở nội dung phổ thông (như bơi tự do) song các tuyển thủ Việt Nam đều xếp cuối, với cách thức và thông số vô cùng thảm hại.
Đáng buồn hơn, thay vì nhìn thẳng vào thực tế, cả ngành thể thao và những người có trách nhiệm của môn bơi lại chán nản và buông xuôi.
Chỉ vì không thể đáp ứng được thành tích trước mắt như hàng loạt các môn “đi tắt đón đầu”, nên bơi chỉ luôn được coi là môn thuộc diện thứ yếu của ngành thể thao. Tiếng là môn cơ bản hàng đầu của mọi nền thể thao, như g sự quan tâm đầu tư cho bơi suốt một giai đoạn dài gần như chỉ cho có, được chăng hay chớ.
Nó càng nhạt nhòa hơn trong điều kiện mà TTVN chỉ nặng về thành tích SEA Games, và đã có ngay nhiều môn khác dù mang tính thời vụ, hay đặc sản khu vực thay thế… xuất sắc. Cả ngành thể thao tiếp cận môn bơi như thế, nên tất nhiên các địa phương, đơn vị phía dưới cũng khó có thể khác.
Hậu quả là: Dù sau đó có tìm ra được một vài nội dung phù hợp để ưu tiên tập trung, song bơi Việt Nam vẫn bế tắc. Đó là sự thua kém của cả một hệ thống, gần như không thể có lối ra. Nhìn vào mảng miếng nào của bơi cũng thấy từ yếu đến rất yếu, đặc biệt với đội ngũ HLV (rõ nhất ở tuyến cơ sở ban đầu), việc ứng dụng khoa học công nghệ cho phát hiện, đào tạo VĐV…
Mãi đến 10 năm sau, SEA Games 1999, bơi vẫn là môn duy nhất của TTVN chưa giành nổi tấm huy chương nào.
PHÚC TƯỜNG
Giới chuyên môn từng đặt câu hỏi đầy bức xúc: Việt Nam không cần phát triển môn bơi, hay ở Việt Nam bơi không phải là môn thể thao cơ bản, khác với quan niệm của cả thế giới? Trước các kỳ SEA Games, từng có những cuộc tranh luận nảy lửa về việc có nên tiếp tục tham dự môn bơi hay không, bởi vừa tốn kém lại vừa… xấu hổ vì thành tích quá yếu kém.