Bóng bầu dục, boxing gây hại não
Nguy cơ chấn động ở một số môn thể thao va chạm mạnh rõ ràng đến mức tiến sĩ Bennet Omalu không thể tin rằng ông vẫn đang phải cố gắng chứng minh cho tất cả thấy là tác động vào đầu là nguy hiểm như thế nào. Vậy nhưng, đây chính xác là những gì mà bác sĩ y khoa người gốc Nigeria đã phải đối mặt cho đến bây giờ, sau hơn 13 năm lần đầu tiên ông chẩn đoán hội chứng Chronic Traumatic Encephalopathy (CTE) hay còn gọi là hội chứng chấn thương mãn tính ở não ở một số cầu thủ bóng bầu dục Mỹ (NFL).
"Tôi không phải là người chống thể thao," ông Omalu, người hiện mang quốc tịch Mỹ và đứng đầu bộ phận kiểm tra y tế tại hạt San Joaquin ở California, nhấn mạnh. "Nhưng những môn thể thao va chạm mạnh như bóng đá, quyền Anh, hockey trên băng, võ tổng hợp và bóng bầu dục là rất nguy hiểm cho trẻ em. Có hàng trăm môn thể thao khác để chúng tập luyện và thay đổi. Hay đơn giản là thay vì để chúng sử dụng mũ bảo hiểm, hãy cho chúng một cây vợt."
Đây cũng là thông điệp mà Omalu đặt ra trong chiến dịch Don't Let Kids Play Football trên tờ New York Times vào cuối năm ngoái. Cách đó 3 tháng, các nhà nghiên cứu của Mỹ cũng chỉ ra những hậu quả của hội chứng CTE dẫn đến các tình trạng như mất trí nhớ, trầm cảm và mất trí ở 96% các cựu cầu thủ NFL được kiểm tra. Và nếu theo phán quyết mà Tòa án liên bang đưa ra vào năm ngoái, thỏa thuận bồi thường có thể khiến NFL mất tới 1 tỷ USD cho 5.000 cựu cầu thủ NFL bị các chấn thương đầu trong 65 năm qua.
Cũng vì thế mà nỗ lực nghiên cứu và công bố CTE của tiến sĩ Omalu đã vấp phải sự phản đối của NFL trong nhiều năm qua. Thậm chí, cuộc chiến căng thẳng này đã được đưa lên màn ảnh qua bộ phim Concussion với vai diễn của Will Smith. Concussion dài 122 phút và dự kiến sẽ được tham gia đề cử giải Oscar trong tháng tới nhưng theo tiến sĩ Omalu, ảnh hưởng của bộ phim còn lớn hơn một tác phẩm điện ảnh thông thường. "Nhiều đêm tôi thiếp đi và ước rằng tôi không bao giờ phải đối mặt với những tổn thương não do chấn động,” ông Omalu nói. "Nhưng điều khiến tôi vẫn tiếp tục công việc là khi tôi nhận ra nhiều cầu thủ đã giải nghệ đã mang những hội chứng này trong im lặng, trong sự tối tăm. Không ai nói chuyện với họ và thực tế họ cảm thấy xấu hổ với chính mình vì văn hóa kiểu anh hùng tồn tại ở NFL."
Không chỉ có bóng đá Mỹ, bóng đá đẹp như tất cả vẫn gọi cũng không tránh được những chỉ trích từ tiến sĩ Omalu. Còn nhớ ở World Cup 2014 tại Brazil, cầu thủ người Uruguay là Alvaro Pereira đã bất tỉnh sau khi va chạm với Raheem Sterling của đội tuyển Anh. Tuy nhiên,Pereira sau đó vẫn được phép tiếp tục thi đấu. Theo tiến sĩ Omalu, ông không xếp bóng đá vào nhóm những môn thể thao va chạm mạnh vì mục đích của bóng đá không phải là nhằm vào đối phương nhưng một số khía cạnh cũng cần được quan tâm.
"Thay vì sử dụng đội hình 11 cầu thủ, liệu chúng ta có thể giảm số thành viên của mỗi đội xuống? Liệu chúng ta có nên đưa ra quy định cấm đánh đầu ở các giải trẻ?”, ông nói. “Vấn đề là kiểm soát rủi ro như thế nào và giảm những nguy cơ gây chấn động ở đầu."
Không phải vô cớ mà tháng 11 năm ngoái, Liên đoàn bóng đá Mỹ đã cấm trẻ em dưới 10 tuổi chơi bóng bằng đầu, trong khi lứa 11-13 tuổi cũng hạn chế sử dụng đầu trong tập luyện.
Nói như tiến sĩ Omalu thì "Đây không phải là về NFL hay bóng đá… Những gì chúng làm cho con trẻ là giáo dục và dạy dỗ chúng. Trước đây, phần lớn các bậc cha mẹ đều khẳng định họ không biết những rủi ro lớn ở các môn thể thao va chạm mạnh. Giờ chúng ta đều đã biết và nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ trẻ em."