Bước đột phá cho thể thao người khuyết tật Việt Nam: Lần đầu có liền hai nhà tài trợ
(thethao24.tv) – Với buổi ký kết diễn ra vào hôm qua, lần đầu tiên, thể thao dành cho đối tượng đặc biệt – những người vượt lên chiến thắng số phận, đã có liền hai “Mạnh Thường Quân” dài hạn- doanh nghiệp Yến Sào Khánh Hòa và Viện Vật lý- Y sinh học (thuộc Viện Khoa học Công nghệ quân sự). Ngoài các hình thức thiết thực về kinh phí, điều đặc biệt, kể từ nay, các VĐV khuyết tật sẽ được tư vấn, chăm sóc, chữa trị tật bệnh, chấn thương.
>>>ĐT Olympic Việt Nam ngày tập đầu tiên chuẩn bị ASIAD 17: Chào sân bằng “cháo hành”
>>>Chuyện đặc biệt của đoàn TTVN dự ASIAD 2014: Cha làm Trưởng đoàn, con trai là tuyển thủ
Sau gần 2 thập kỷ gây dựng, thể thao người khuyết tật đã thực sự trở thành một “cầu nối” hòa nhập cộng cộng đồng, thể hiện sự vượt khó và khát vọng vươn lên tuyệt vời cho đối tượng thiệt thòi, đang chiếm tới 8% dân số Việt Nam. Cùng với phong trào đã bén rẽ sâu rộng, hiệu quả, gắn với các địa bàn cùng CLB cụ thể, thể thao người khuyết tật cũng đã hội nhập mạnh mẽ với quốc tế, được minh chứng qua việc luôn nằm trong nhóm dẫn đầu ở các kỳ ASEAN Para Games, có nhiều HCV châu lục và thậm chí áp sát đỉnh cao thế giới.
Tuy nhiên, thể thao người khuyết tật vẫn gặp rất nhiều trở ngại, trong đó nổi lên câu chuyện kinh phí mà nỗ lực của ngành thể thao cũng chỉ giải quyết được một phần. Lâu nay loại hình này gần như không có tài trợ, nếu có chỉ ăn đong theo các sự kiện.
Từ đó mới thấy giá trị về nhiều mặt khi Hiệp hội Paralympic VN đã lần đầu tiên có liền hai nhà tài trợ, và đáng chú ý hơn mang tính dài hạn, hướng đến các nội dung cụ thể.
Theo thời hạn trước mắt là 2 năm,Yến Sào Khánh Hòa sẽ đảm trách một nguồn kinh phí đáng kể để khen thưởng cho các VĐV giành thành tích cao tại các giải quốc tế, hỗ trợ việc tập luyện thi đấu của các đội tuyển, cũng như bù đắp với các trường hợp có cuộc sống khổ sở hay bị bệnh tật, chấn thương nặng. Yến Sào Khánh Hòa cũng chi một khoản thích đáng giúp cho các hoạt động chung của Hiệp hội Paralympic VN.
Hợp đồng của Viện Vật lý – Y sinh học thậm chí còn kéo dài tới 5 năm. Đơn vị thuộc Viện Khoa học Công nghệ quân sự này sẽ đảm trách mảng quan trọng bậc nhất, đồng thời yếu nhất của thể thao khuyết tật hiện tại: tư vấn, chăm sóc, chữa trị tật bệnh, chấn thương. Lãnh đạo Viện cam kết sẽ chăm lo, giải quyết hoàn toàn miễn phí ở mức tối đa tất cả các VĐV gặp chấn thương hay bệnh tật nặng theo đề xuất của Hiệp hội Paralympic VN. Tại các giải quốc nội, cũng như các chuyến xuất ngoại tranh tài, Viện sẽ cử các chuyên gia giỏi song hành để giúp phân loại thương tật, chăm sóc y tế cho các VĐV.
|
Hà Thảo