Bóng chuyền Việt Nam: 5 đội bóng “khai tử” & xu thế rã đám
Những “cái chết trăm tỷ”
Ngay đầu năm mới, cả làng bóng chuyền Việt đã phải đón nhận hung tin khi Đức Long Gia Lai, một thế lực hàng đầu, bị “khai tử” vì lý do rất phi chuyên môn, không liên quan gì tới sự phát triển của đội bóng: Ông bầu… không còn thích. Đức Long Gia Lai không phải là trường hợp đầu tiên và có lẽ sẽ chẳng phải cuối cùng rơi vào tình cảnh… “bỗng dưng phải chết”.
Trước đội bóng phố Núi, chỉ trong 2 năm, có tới 4 đội bóng khác đều do các doanh nghiệp đầu tư và tài trợ chính bị giải thể. Đó là 2 CLB của ngành Dầu khí, nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nữ Vietsov Petro, liên tiếp phải ra đi trong năm 2014 bởi đơn vị chủ quản tái cơ cấu và tiện thể cũng cho giải tán việc đầu tư vào bóng chuyền. Riêng nữ Vietsov Petro còn “tan đàn xẻ nghé” khi vừa giành HCĐ giải VĐQG.
Ngay sau đó là nữ Bia Sài gòn Thái Bình Dương, đội bóng mới hình thành được 3 năm, với hàng loạt kế hoạch gây “sốc” còn đang dang dở. Không lâu trước Đức Long Gia Lai, đội nữ Tập đoàn Cao su Bình Phước cũng được ông chủ nói lời cảm ơn và chia tay. Tính tổng số kinh phí đi theo 5 đội bóng có thể lên tới 400 tỷ đồng mà chỉ riêng 3 “ông lớn” một thời Nam Tập đoàn Dầu khí, nữ Vietsov Petro và nam Đức Long Gia Lai đã chiếm 300 tỷ.
Bóng chuyền doanh nghiệp rã đám
Do mọi chuyện hoàn toàn thuộc quyền doanh nghiệp nên các nhà quản lý bóng chuyền dù có trăn trở, xót xa cũng đành phải ngậm ngùi đứng ngoài, và chỉ biết cố gắng ứng phó khắc phục hậu quả.
Số phận của các đội bóng chuyền doanh nghiệp chưa bao giờ lại trở nên mong manh như bây giờ, do lệ thuộc hoàn toàn mà không có bất cứ điểm tựa vào phía sau. Một CLB mạnh, đang phát triển tốt có thể bị giải tán bất cứ lúc nào, chỉ vì một biến động nào đó trong hoạt động hay nhân sự lãnh đạo, hay đơn giản là ông chủ bất ngờ chán và đổi ý.
Bóng chuyền Việt Nam từng có sự đổ bộ của các doanh nghiệp, nhất là 2 ngành dầu khí và ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp đua nhau tài trợ hay thành lập đội bóng với mục tiêu và đầu tư khủng. Thế nhưng đến thời điểm này, số CLB tồn tại, phát triển bền vững thực sự kiểu như đội nữ VTV Bình Điền Long An gần như là duy nhất. Điểm lại từ 2004, khi xu hướng xã hội hóa nở rộ, có tới 2/3 trong số 10 đội bóng doanh nghiệp đã bị khai tử. Nguyên nhân cụ thể có thể khác nhau song chung một gốc, xuất phát từ tình trạng chạy theo thành tích bề nổi cùng cách làm “ăn xổi”.
Phong trào doanh nghiệp hóa bóng chuyền rã đám và trong bối cảnh hiện tại, rất khó để có thêm một CLB do doanh nghiệp thành lập, đầu tư. Mặt tích cực duy nhất ở đây chỉ là việc những người làm bóng chuyền sẽ phải nhìn thẳng vào thực tại phũ phàng để tập trung cho cách nghĩ, cách làm bài bản, trong đó giá trị chuyên môn đóng vai trò quyết định...
Đức Long Gia Lai chính là đội đầu tiên do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư, với khoản kinh phí kỷ lục trong làng bóng chuyền sau 5 năm tồn tại: Trên 100 tỷ đồng. Bầu Pháp từng chi tiền tỷ để “kéo” được chủ công số 1 Đông Nam Á là Wanchai Tabwise và trả đội trưởng ĐTQG Thái Lan mức lương tháng 6.000 USD.
Có tới 5 đội bóng doanh nghiệp liên tiếp bị “khai tử” chỉ trong 2 năm vừa qua là nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nữ Vietsov Petro, nữ Bia Sài gòn Thái Bình Dương, nữ Tập đoàn Cao su Bình Phước và nam Đức Long Gia Lai. Thậm chí, 2 đội nữ Vietsov Petro và Bia Sài gòn Thái Bình Dương còn bị tuyên bố giải tán trong cùng một ngày vào năm 2014. Đây đều là các đội bóng thuộc nhóm mạnh tại giải VĐQG, riêng nữ Vietsov Petro và đặc biệt nam Đức Long Gia Lai đã vươn tới vị thế của một thế lực hàng đầu Việt Nam.
Khác với 5 đội bóng bị xóa sổ trước đó, trường hợp của đội nữ Hưng Yên chỉ là nhà đầu tư Hòa Phát rút lui, không còn tiếp tục gắn tên và tài trợ (2,5 tỷ đồng/năm). Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ngành thể thao tỉnh đã có cách phản ứng đầy tiêu cực khi yêu cầu đội bóng đang dự giải VĐQG này xin… xuống hạng, thay vì tìm cách tháo gỡ khó khăn. Theo điều lệ của LĐBC Việt Nam, đội Hưng Yên xin từ giải VĐQG xuống dự giải hạng A mùa 2016 cũng không được chấp nhận, chỉ còn cách bỏ giải để bị xử xuống hạng và dự giải hạng A từ mùa 2017.