Tay đua Chris Froome công khai mẫu thử doping: Đi tìm sự trong sạch
Sau vụ gian lận được đánh giá là tinh vi nhất trong lịch sử thế thao thế giới của Lance Armstrong, những cua-rơ xe đạp càng bị đặt vào tầm ngắm nghi vấn sử dụng doping. Chris Froome không phải là ngoại lệ. Tại Tour de France 2015, cua-rơ người Anh là gương mặt được chú ý nhất và có không ít người đã nghi ngờ Froome sử dụng doping. Thậm chí có khán giả còn đứng trên đường hắt cả nước tiểu vào người cua-rơ đội Team Sky và cáo buộc anh gian dối.
Froome đã phải sống trong sự hoài nghi và đã đi tới quyết định thực hiện một cuộc kiểm tra doping toàn diện và công khai trước công chúng. Đó là điều mà chưa một cua-rơ nào thực hiện. Froome trải qua các cuộc xét nghiệm kỹ lưỡng trong một phòng thí nghiệm và được tạp chí khoa học uy tín Esquire theo dõi chặt chẽ. Và cuối cùng kết quả đã cho thấy Froome hoàn toàn không dính tới chất cấm.
“Tôi hiểu mọi kết quả dù thế nào chăng nữa cũng không thể thuyết phục được tất cả mọi người. Sự lừa dối trong quá khứ đã phôi thai tạo nên bóng đen bao phủ môn thể thao này. Nhưng tôi hy vọng sự minh bạch của mình sẽ giúp ích một phần nào đó để xây dựng lại niềm tin cho môn thể thao này,” Chris Froome nói.
Chỉ số về nồng độ ô xy tối đa trong một phút của một vận động viên được đo bằng mililit trên mỗi kg trên cơ thể (ml/kg/phút). Con số của Froome là 84,6 trong cuộc kiểm tra này và là 88,2 khi thi đấu ở Tour de France. Và theo những bác sĩ xét nghiệm, “đây là chỉ số gần với giới hạn nồng độ ô xy trong cơ thể con người”.
Tại Tour de France, Chris Froome có sự biến đổi về cơ bắp thấy rõ trong những hình ảnh trên truyền thông và nhiều người căn cứ vào đó để nghi ngờ. Dù vậy theo các nhà chuyên môn, với trọng lượng gần 67kg khi thi đấu và bình thường là gần 70kg, các kết quả kiểm tra đều cho thấy chỉ số về lượng mỡ trong cơ thể của Froome vào khoảng 9,8% và không có gì bất thường.
Nhưng với những ai đa nghi, khi tượng đài Lance Armstrong bị xô đổ sau nhiều năm lừa dối cả thế giới, thì dường như việc Chris Froome công khai kiểm tra doping vẫn chưa thể nhanh chóng giúp tất cả tin tưởng hơn về sự trong sạch của môn thể thao này.
Chris Froome đã 2 lần giành áo vàng Tour de France năm 2013 và 2015. Trước đó cua-rơ 30 tuổi đã xếp thứ 2 tại Tour de France sau khi hỗ trợ đồng đội Bradley Wiggins vô địch Tour de France 2012.
Chỉ số về nồng độ ô xy tối đa trong một phút của Froome là 84,6. Trong khi người bình thường chỉ dao động từ 35 đến 40, con số tương đương với những vận động viên đua xe đạp ở thập niên 50 và 60 ở thế kỷ trước.