Chuyện của bóng chuyền Việt Nam: Quy chế chuyển nhượng “chết yểu”
Hữu Hà là tội đồ hay nạn nhân?
Năm 2009, chủ công tài năng sinh năm 1981 Nguyễn Hữu Hà từng phải ngồi ngoài cả mùa giải, thậm chí còn mất suất ở ĐTQG vì muốn chuyển đến đầu quân cho Đức Long Gia Lai, trong khi Tràng An Ninh Bình kiên quyết không giải quyết. Tình thế lúc ấy căng tới mức, Hữu Hà tự ý ra đi mà không cần lý do còn đội bóng Cố đô đưa ra những hình thức mạnh tay với anh, từ kỷ luật Đảng, công chức tới cấm thi đấu toàn quốc.
Đến đầu năm 2010, CLB cũ mới chịu đàm phán với đội bóng phố Núi để “giải phóng” Hà với phí đền bù 1,35 tỷ đồng.
Năm 2014, Hữu Hà tiếp tục vướng vào một sự vụ mới, lần này với chính Đức Long Gia Lai. Muốn rời đội bóng Tây Nguyên theo diện tự do, nhưng Hữu Hà không đạt được thỏa thuận về mức đền bù. Anh bị trói chặt bởi một điều khoản độc nhất vô nhị của hợp đồng lao động có chữ ký của cả 2 bên: Sau khi đơn phương thanh lý hợp đồng, VĐV tự nguyện cam kết giải nghệ, không tham gia thi đấu cho đội bóng chuyền trong và ngoài nước, dưới bất kỳ hình thức nào”. Và Hà vừa trải qua một mùa giải nữa làm HLV bất đắc dĩ của Biên Phòng, thay vì có thể tung hoành trên sàn đấu.
Phía sau bi kịch 2 lần bị “treo tay” đi vào lịch sử bóng chuyền Việt Nam ấy, phần nào đó có thể coi Hữu Hà cũng là một tội đồ trực tiếp. Lần trước, anh đã qua mặt Tràng An Ninh Bình để “đi đêm” với Đức Long Gia Lai. Lần sau, anh hoàn thành thương thảo với Biên Phòng trước khi xin đi khỏi CLB của bầu Pháp.
Hà đã nêu ra một “tấm gương” rất tiêu cực, dẫn đến nhiều trường hợp theo đúng “kiểu anh Hà” sau đó. Tuy nhiên, Hà cũng chỉ là nạn nhân của một nền bóng chuyền nghiệp dư, với sự nhốn nháo và bế tắc trong vấn đề chuyển nhượng cầu thủ.
Bản quy chế bị lãng quên
Nhìn từ “điển hình” Hữu Hà, có thể thấy cả một quá trình - từ thương thảo, ký hợp đồng đến thực thi hợp đồng - gần như chỉ là chuyện riêng của Hữu Hà với CLB Đức Long Gia Lai, mà không theo một chuẩn chung. Một khi hai bên không đạt được thỏa thuận riêng, tranh chấp lập tức xảy ra với đủ chuyện bi hài.
Cả mảng chuyển nhượng cầu thủ vẫn đang tùy hứng, tự phát và riêng lẻ, với nguy cơ bế tắc và tranh chấp luôn thường trực. Mỗi CLB đang làm một kiểu, mà suy cho cùng cũng chỉ phục vụ cho quyền lợi cục bộ trước mắt còn các cầu thủ cũng mỗi người “chạy” một cách.
Từ năm 2010, bóng chuyền Việt Nam đã có Quy chế chuyển nhượng cầu thủ được đánh giá là tương đối đầy đủ, chặt chẽ, bám sát điều kiện trong nước cũng như học tập kinh nghiệm quốc tế. Chỉ có điều, ngay khi ra đời, coi như nó đã “chết yểu”.
Các CLB, cầu thủ đều không hề quan tâm và thực hiện quy chế. Thậm chí nhiều lãnh đội, HLV và hầu hết cầu thủ tới giờ vẫn… không biết đang có một Quy chế, chứ chưa nói đến các nội dung cụ thể. Càng đáng nói hơn bởi các cơ quan quản lý gần như đứng ngoài cuộc: Không tuyên truyền phổ biến, không phối hợp triển khai hay theo dõi giám sát thực tế...
Điều duy nhất mà những người có trách nhiệm vận dụng được, sau khi bản Quy chế chuyển nhượng ra đời, chỉ là việc cầu thủ đang trong diện tranh chấp có thể bị “treo tay” tại các giải quốc nội cũng như ĐTQG. Nhờ thế, Hữu Hà mới có cơ hội dự tranh SEA Games 28.
Bài toán chuyển nhượng được đặt ra từ năm 2002 khi “búa máy” Bùi Thị Huệ qua 2 năm tha thiết xin đi vẫn đành ngậm ngùi ở lại Thái Bình với mức thu nhập mỗi tháng chưa nổi 1 triệu đồng cùng điều kiện tập luyện thi đấu nghèo nàn bậc nhất. Huệ khi đó gần như không có quyền được ra đi, còn đội bóng Quê lúa có muốn bán cũng không được vì không có “căn cứ nào”. Sự phức tạp và bế tắc lên tới đỉnh điểm với trường hợp của Hữu Hà năm 2009, dẫn đến việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam gấp rút hình thành Quy chế chuyển nhượng cầu thủ ngay 1 năm sau đó. Rất bi hài vì đến thời điểm này, chính Hữu Hà cùng nhiều cầu thủ khác lại “vấp” theo cách hệt như cũ.
"Việc chuyển nhượng cầu thủ thực sự đang là một vấn đề rất nóng và khó mà chúng tôi sẽ phải tập trung tháo gỡ để tạo ra một “dòng chảy” lành mạnh, quan trọng cho sự phát triển. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ rà soát lại toàn bộ việc quản lý, chuyển nhượng cầu thủ để có những điều chỉnh cho phù hợp. Kể từ mùa giải này, trong thẩm quyền của mình, chúng tôi sẽ siết chặt lại khâu cấp thẻ VĐV, cũng như kiểm tra quá trình ký kết hợp đồng chuyển nhượng hay hợp đồng lao động sao cho đúng luật. Riêng quy chế chuyển nhượng cũng sẽ được bổ sung cho sát thực tế hơn, và quan trọng là phải có tính khả thi”. Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam