CLB Đức Long Gia Lai: Đội chưa giải tán, cầu thủ đã tìm xong “bến đỗ”
Có thể kể ra chủ công hàng đầu Việt Nam Nguyễn Văn Hạnh sẽ đầu quân cho Hà Tĩnh mới thăng hạng hay chủ công trẻ còn ít tên tuổi Quảng Trọng Nghĩa cũng chắc chắn cập bến Sanest Khánh Hòa. Riêng chuyền hai Thiện Mến cũng đã đạt được thỏa thuận để về làm việc tại trường Đại học TDTT TP.HCM.
Việc đội chưa giải tán, nhiều cầu thủ đã có “bến đỗ” ở Đức Long Gia Lai thực ra cũng dễ hiểu. 2 năm nay, đội bóng phố Núi đã rơi vào tình trạng khó khăn về kinh phí, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và ngay sau mùa giải 2015, thông tin về việc “khai tử” đã được lan truyền. Từ đó, các cầu thủ cũng phải chuẩn bị sẵn các phương án và hướng đi cho mình.
Tuy nhiên, câu chuyện này cũng phơi bày một nghịch lý chỉ có ở bóng chuyền Việt Nam: Nhiều cầu thủ trở nên có giá hơn hẳn, thậm chí còn hưởng lợi khi đội nhà giải tán. Điều này đã được chứng minh qua trường hợp của đội nữ Vietsov Petro, nam Tập đoàn Dầu khí và bây giờ là Đức Long Gia Lai. Ngoại trừ số cầu thủ trẻ hay quá già, trình độ thấp, không ai lo thất nghiệp nếu không muốn nói còn ngược lại.
Sự bi hài gắn với thực tế thiếu hụt lực lượng cầu thủ nghiêm trọng của bóng chuyền. Các cầu thủ, nhất là số trụ cột của một đội bóng bị xóa sổ lập tức trở thành tâm điểm với sự săn đón, và phần lợi dành cho cả CLB mới lẫn cầu thủ. CLB có quân tốt mà không phải trả phí chuyển nhượng, trong khi cầu thủ có thể được nhận ngay một khoản “lót tay”, có thể tự thương thảo mức lương thưởng.
Điển hình như chủ công ĐTQG Đinh Trà Giang, người từng viết tâm thư kêu cứu khi đội nữ Vietsov bị giải thể, bỗng dưng được quyền lựa chọn giữa 2 đội bóng Tiến Nông Thanh Hóa và Ngân hàng Công thương Việt Nam, với mức “lót tay” và thu nhập thuộc diện cao nhất làng bóng chuyền. Cuối cùng, chị đã chọn đội bóng xứ Thanh, nơi đáp ứng tốt nhất các điều kiện của mình.
Một đội bóng xóa tên, suy cho cùng chỉ thiệt hại cho chính đội bóng hay địa phương và cả bóng chuyền Việt Nam, còn số đông các cầu thủ có lẽ không hề hấn gì. Và quan trọng nhất, nền tảng của cả môn vẫn mang danh số 2 của TTVN, vẫn bó buộc trong một vòng luẩn quẩn kéo dài.