Cử tạ Việt Nam rộng cửa huy chương Olympic 2016
Cuộc đột phá khó tin của Vương Thị Huyền
Làng cử tạ quốc tế bắt đầu phải nói nhiều đến lực sĩ 23 tuổi đến từ Việt Nam vừa giành 2 HCB, 1 HCĐ giải VĐTG như một hiện tượng đặc biệt nhất. Từ một gương mặt vô danh, Huyền đã lập tức vươn tới đẳng cấp hàng đầu ở hạng 48kg. Không chỉ cầm chắc 1 suất tới Olympic bằng thành tích cá nhân xuất sắc mà Huyền còn hoàn toàn có thể đua tranh 1 tấm huy chương tại cuộc đấu đỉnh cao nhất vào sang năm. Thậm chí, phần nào đó, chính đô cử trẻ đang có những bước thăng tiến ngoạn mục này chứ không phải Thạch Kim Tuấn mới là niềm hy vọng lớn nhất của TTVN.
Theo giới chuyên môn đánh giá, nếu như nâng cao được mức tổng cử chạm mốc 200kg (hiện tại 194), cô gái người Hà Nội sẽ chắc chắn có huy chương trên đất Brazil, bất kể các đối thủ và diễn biến của hạng 48kg có thay đổi như thế nào. Có thể thấy việc nâng cao từ 5-10kg nữa với Huyền hoàn toàn khả thi. Rõ ràng, nhà Á quân thế giới Vương Thị Huyền chính là phát hiện đầy ngoạn mục và may mắn cho cả TTVN trong năm 2015. Trường hợp của chị cũng tiếp tục chứng tỏ tiềm năng to lớn của cử tạ Việt Nam, nhất là ở một số hạng cân nhỏ.
Tuấn - Toàn thua, đội nam vẫn giành 3 suất
Tại giải VĐTG, bộ đôi hảo thủ Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn ở các mức khác nhau đều đã gây thất vọng. Tuấn chỉ đoạt được 1 HCĐ nội dung tổng cử hạng 56kg, còn Toàn đứng mãi thứ 17 khi được đôn lên thi đấu hạng 62kg.
Đó là những kết quả rất đáng tiếc, rõ nhất với Tuấn. Tuy nhiên, qua sự bất thành của bộ đôi này, cử tạ Việt Nam mới càng cho thấy bước tiến rõ nét từ nền tảng cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho đấu trường Olympic. Nếu trước đây, môn này chỉ nhắm suất Olympic qua một vài gương mặt ngoại lệ kiểu như Hoàng Anh Tuấn hay Nguyễn Thị Thiết, đến giờ họ đã có đủ lực lượng mạnh để đua tranh bằng xếp hạng đồng đội, tính tổng thành tích của 2 giải VĐTG gần nhất.
Giải năm ngoái, đội nam đã đạt 47 điểm, đứng thứ 20 trên bảng tổng sắp. Giải năm nay, Thạch Kim Tuấn cùng các đồng đội chỉ cần duy trì một vị trí tương tự như thế, đảm bảo để đứng từ thứ 19-24 là nghiễm nghiên có 3 suất Olympic chính thức. Mục tiêu này đã trong tầm tay khi chỉ mới qua 2 hạng cân (56kg với Thạch Kim Tuấn và Nguyễn Trần Anh Tuấn, 62kg với Trần Lê Quốc Toàn), đội đã có thêm 43 điểm. Với tổng số 90 điểm, đội đang tạm chiếm 1 vị trí khá vững chắc trong Top 24, dù còn 2 hạng cân nữa chưa tranh tài.
“Mũi nhọn” duy nhất ở 3 kỳ Olympic
Olympic 2008, đô cử Hoàng Anh Tuấn đã mang về cho TTVN HCB hạng 56kg, một tấm huy chương thực sự đẳng cấp và thuyết phục. Kỳ Đại hội 4 năm sau đó, Trần Lê Quốc Toàn đã suýt đoạt HCĐ khi đứng hạng 4 cũng ở hạng 56kg với khoảng cách thua sít sao người xếp trên, do sai lầm về chiến thuật và khởi động.
Dù Olympic 2016 còn 9 tháng nữa song có thể khẳng định cử tạ vẫn sẽ là “mũi nhọn” tranh huy chương duy nhất của TTVN, nhất là trong tình cảnh kỷ lục gia bắn súng thế giới Hoàng Xuân Vinh ngày càng thi đấu phập phù và cựu binh môn thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh đã tụt lại xa nhóm hàng đầu thế giới.
Với sự xuất hiện của Vương Thị Huyền bên cạnh trụ cột Thạch Kim Tuấn, thậm chí cử tạ Việt Nam còn sở hữu tới 2 cửa huy chương Olympic, đều ở mức có thể tranh chấp sòng phẳng chứ không dừng lại ở diện hy vọng.
Nếu Thạch Kim Tuấn không bị ảnh hưởng từ chấn thương lưng và đấu gối dai dẳng, Trần Lê Quốc Toàn đánh mất mình vì lý do tương tự, đồng đội nam cử tạ Việt Nam thậm chí hoàn toàn có thể nhắm tới 1 vị trí trong nhóm từ 13 tới 18, đồng nghĩa với việc giành được tới 4 suất chính thức tới Olympic.
Cử tạ là môn đầu tiên của TTVN giành HCV ở một môn trong chương trình Olympic do công của đô cử Thạch Kim Tuấn tại giải VĐTG 2014, nội dung cử giật hạng 56kg, với thành tích 135kg.