Giải bơi lội Vô Địch Thế Giới 2015: Trung Quốc chiếm ngôi đầu
Với 15 huy chương vàng, bơi lội Trung Quốc đã chấm dứt 6 lần liên tiếp giữ ngôi số 1 của bơi lội Mỹ tại giải vô địch thế giới và cũng cắt đứt mạch 3 lần liên tiếp chỉ xếp thứ hai tại giải đấu. Vẫn biết các kình ngư Trung Quốc thống trị ở nội dung nhảy cầu (giành tới 10/13 huy chương vàng), nhưng ở nội dung quan trọng nhất là bơi, kình ngư Trung Quốc đang nổi lên trở thành thách thức lớn nhất cho các cường quốc bơi lội trên thế giới.
Với 5 huy chương vàng môn bơi, Trung Quốc xếp thứ 3 ở nội dung này sau Mỹ với 8 huy chương vàng và Australia với 7 huy chương vàng. Nhưng nếu không có sự tỏa sáng rực rỡ của siêu kình ngư Katie Ledecky, người đóng góp tới 5 tấm huy chương vàng, chưa chắc môn bơi của nước Mỹ đã giữ được vị thế dẫn đầu. Trong những năm tới, các kình ngư Trung Quốc sẽ còn tiệm cận hơn nữa với người Mỹ.
Sự tiến bộ thần tốc của bơi Trung Quốc để lại nhiều sự nghi ngờ. Kình ngư giành 2 huy chương vàng 400 mét và 800 mét tự do Sun Yang bị lật lại câu chuyện dương tính với chất trimetazidine năm ngoái tại giải bơi lội quốc gia Trung Quốc. Nhưng Liên đoàn bơi lội Trung Quốc đã không công khai chuyện này và cũng không đưa ra án phạt. Thậm chí Liên đoàn bơi lội Australia còn bày tỏ sự phản đối bằng cách cấm Sun Yang bén mảng tới các bể bơi tại quốc gia này sau khi Liên đoàn bơi lội quốc tế “giơ cao đánh khẽ” cấm Sun Yang thi đấu trong 3 tháng.
Người Trung Quốc ra sức bảo vệ “gà nhà” khi cho rằng Sun Yang lỡ sử dụng thuốc dành cho bệnh nhân bị bệnh tim và dính chất cấm. Nhưng không nhiều người tin vào điều đó, vì trong lịch sử, bơi Trung Quốc không ít lần dính dáng tới việc sử dụng doping. Và thậm chí người ta còn thống kê trên Bách khoa toàn thư điện tử cả mục “Doping Trung Quốc” để liệt kê những vi phạm của các vận động viên Trung Quốc, đặc biệt là ở môn bơi.
Nhưng Sun Yang vẫn được thi đấu và mang về vinh quang cho Trung Quốc. Kình ngư 23 tuổi là “sản phẩm” của lò đào tạo vận động viên đỉnh cao của Trung Quốc cách đây hơn chục năm, không chỉ để chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008, mà còn phục vụ cho sự bành trướng thống trị ở nhiều môn thể thao.
Ước tính vào năm 2008, đã có 30 nghìn vận động viên được Trung Quốc đào tạo để chuẩn bị cho mục tiêu này. Và Sun Yang là một trong số đó. Kình ngư sinh năm 1993 đang giữ kỷ lục thế giới 1500 mét 14 phút 31 giây 02 và thậm chí bỏ cả nội dung này tại giải vô địch thế giới năm nay để tập chung cho những nội dung còn lại.
Nhưng bơi Trung Quốc không chỉ có mỗi Sun Yang. Ở nội dung bơi 100 mét tự do, Ning Zetao trở thành kình ngư châu Á đầu tiên trong lịch sử giành huy chương vàng thế giới. Và các kình ngư nữ của Trung Quốc cũng vô địch cả nội dung 4×100 mét tiếp sức hỗn hợp. Mà đó là “siêu nhân” Ye Shiwen, người giành 2 tấm huy chương vàng 200 mét và 400 mét hỗn hợp tại Olympic London 2012, trải qua một giải đấu thất vọng khi không vượt qua vòng loại và còn xếp sau cả Ánh Viên ở nội dung 400 mét hỗn hợp!
ANH KHANG
Môn bơi tại giải bơi lội vô địch thế giới đã có 11 kỷ lục thế giới bị phá, trong đó Katie Ledecky của Mỹ 3 lần phá kỷ lục thế giới (2 lần tại 1500 mét tự do và 1 lần tại 800 mét tự do).