Golf Việt Nam: Cả môn trông cả vào 5 “của hiếm”
5 niềm hy vọng mong manh
Không tính trường hợp ngoại lệ là nhà vô địch châu Á Trần Lê Duy Nhất, cả mảng “mũi nhọn” của golf Việt Nam chỉ có đúng 5 niềm hy vọng. Vì quá hiếm và quý nên cả 5 gương mặt này đều là những cái tên rất nổi trong làng thể thao: Trương Chí Quân, Đỗ Lê Gia Đạt (nam); Ngô Bảo Nghi, Nguyễn Thảo My, Trần Chiêu Dương (nữ). Đây cũng chính là đội hình từng dự tranh SEA Games 28 rất được kỳ vọng khi đều rất trẻ, với độ tuổi trung bình chỉ mới 16. Và quan trọng hơn, họ đều đang tập huấn dài hạn ở nước ngoài, 4 tại Mỹ và 1 tại Thái Lan.
Nếu “làn sóng trẻ” này được đầu tư và phát triển tốt, trong tương lai golf Việt Nam hoàn toàn có thể có thêm một vài golf thủ chuyên nghiệp như Duy Nhất, thúc đẩy bước tiến của cả môn. Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn, cả một môn chỉ có 5 tay golf triển vọng, thì rất khó để trông đợi nhiều. Và ngay chính 5 “hạt giống đỏ” cũng có những nguy cơ lớn trên hành trình vươn ra sân chơi quốc tế vô cùng gian khó.
Kế hoạch và nhất là nguồn kinh phí tiền tỷ mỗi năm của 4 trong 5 tài năng trẻ kể trên đang do gia đình VĐV đảm bảo, không có bất cứ sự hỗ trợ hay ràng buộc đáng kể nào từ ngành thể thao hay Hiệp hội Golf Việt Nam. Có nghĩa là, cả môn phụ thuộc và bị động, phần nào đó đúng theo nghĩa… may nhờ rủi chịu. Chưa kể, trong số này, một số đang rơi vào tình trạng nửa vời, giữa nghiệp golf với việc học văn hóa, hay chí ít cũng đang bị ảnh hưởng.
Duy Nhất vẫn chưa là gì so với quốc tế nhưng để golf Việt Nam có một người thứ 2 đạt tầm mức như thế đã là một vấn đề rất… không đơn giản.
Mỗi năm chỉ thêm 100 trẻ được “làm quen”
Sau 1 thập kỷ golf được đưa vào hệ thống của ngành thể thao, Hiệp hội Golf Việt Nam và nhiều địa phương được thành lập, câu chuyện mở rộng phong trào và đối tượng, trực tiếp là đào tạo trẻ vẫn đang bế tắc. Có lẽ khác biệt duy nhất, mang tới sự khởi sắc nhất định cho môn này chỉ là sự gia nhập của trung tâm hàng đầu Hà Nội trong bản đồ golf vốn đã nhỏ hẹp.
Việc phát hiện, đào tạo VĐV trẻ vẫn chưa thể kết nối được với sân golf, trong khi golf Việt Nam chưa có một mô hình kiểu Trung tâm hay Học viện mang tính quốc gia, cũng như chưa hình thành nên được một quỹ đầu tư với nguồn lực đảm bảo, đặc biệt về kinh phí. Mãi mới đây mới có một chương trình phổ cập cho trẻ em, nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ và chỉ nhắm tới mục tiêu “làm quen” với golf trong dịp hè 30- 45 ngày. Các khóa học này miễn phí tiền thầy dạy và sân, giảm giá bóng, với số lượng học viên ở cả Hà Nội và TP.HCM chỉ khoảng 100.
Cũng may nhờ chương trình phổ cập mà cả nước mới có thêm… 100 trẻ em biết thế nào là môn golf, còn sau đó khả năng tiếp tục duy trì gần như không có.
Và suy cho cùng, golf Việt Nam chỉ có thể thi thoảng xuất hiện thêm một vài nhân tố mới trong số những “cậu ấm cô chiêu” của các ông bố đại gia chơi golf muốn con biết chơi.
Hà Thảo
Hiện tại có một số sân golf đã áp dụng các chế độ dạy golf giảm giá với thời gian rất linh hoạt cho trẻ em. Tuy nhiên, mức chi phí này vẫn ở mức rất cao so với mặt bằng chung thu nhập của người Việt Nam, kể cả đối tượng thuộc diện trung lưu. Giá ưu đãi nhất để trẻ em học golf trong 1 buổi (chỉ 45 phút) đã là 1 triệu đồng, hay một khóa ngắn 5 buổi là 4,5 triệu đồng.
“Theo nhìn nhận của tôi, sân golf Việt Nam chưa có ưu đãi gì cho những tay golf trẻ. Bản thân tôi, khi đi đánh ở các sân golf tại Việt Nam vẫn phải đóng phí như khách bình thường. Sân golf duy nhất tôi có được ưu đãi ở Việt Nam là Đà Nẵng Golf Club của Vinaliving – nhà tài trợ chính của tôi. Golf nói chung có thể dành cho các ông già, nhưng chuyên nghiệp thì phải từ các tay golf trẻ, bắt đầu từ 5- 6 tuổi. Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa có chế độ bồi dưỡng, huấn luyện nào dành cho trẻ em chơi golf. Golf hiện tại vẫn là môn chơi xa xỉ dành cho người có tiền. Người ta vẫn nghĩ về kinh doanh nhiều quá. Nếu cứ như thế, golf Việt Nam không thể phát triển được”.
Golf thủ Trần Lê Duy Nhất