Hành trình chiến thắng của thể thao Việt Nam: Những điểm nhấn đặc biệt
Bị “mắng” vì tuyên bố có huy chương
Trước thềm ASIAD 1994 do Nhật Bản đăng cai mà võ sĩ Trần Quang Hạ đoạt HCV, có một câu chuyện tưởng như tiếu lâm nhưng thật 100%, phản ánh chính xác tâm thế của ngành thể thao khi ấy.
HLV Đoàn Đình Long của môn mới được gây dựng trở lại karatedo đã bị lãnh đạo mắng là “khùng” khi tự tin khẳng định các học trò của mình sẽ lấy được huy chương Á vận hội. Đơn giản vì trong nhìn nhận của cả ngành thể thao khi ấy, huy chương ASIAD được đánh giá hoàn toàn nằm ngoài tầm với.
Từ HCV thế giới wushu tới HCV thế giới cử tạ mất 21 năm
Ngay từ năm 1993, võ sĩ wushu Nguyễn Thúy Hiền đã mang về cho thể thao Việt Nam tấm HCV thế giới tại giải đấu trên đất Malaysia, nội dung đao thuật. Thế nhưng phải sau 21 năm, đến năm 2014, Việt Nam mới có 1 tấm HCV ở một môn Olympic, do công của đô cử Thạch Kim Tuấn ở nội dung cử giật (135kg). Cũng tại giải này, Tuấn còn suýt đoạt HCV tổng cử khi chỉ thua Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên) do trọng lượng cơ thể hơn đối phương… 0,04 kg.
Xạ thủ Xuân Vinh là chủ nhân của kỷ lục thế giới duy nhất
Tuy chưa bao giờ giành huy chương Olympic hay HCV ASIAD song xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lại là chủ nhân của kỷ lục thế giới duy nhất của TTVN (được chính thức công nhận). Tại Cúp thế giới trên đất Mỹ vào tháng 03/2013, anh đã xuất sắc đoạt HCV cùng điểm số 202,8 qua đó phá kỷ lục thế giới nội dung 10m súng ngắn hơi (kỷ lục cũ 202,3 điểm). Trước đó 52 năm, xạ thủ huyền thoại Trần Oanh cũng vượt kỷ lục thế giới ở giải Quân đội các nước XHCN nội dung súng ngắn ổ quay, song không được Liên đoàn bắn súng thế giới (ISSF) chính thức công nhận.