Phương Trâm bật mí bí mật đặc biệt: “Mới mê bơi từ... 1 năm nay”
“Bị rủ đi bơi, ghét xuống nước”
- Thể thao 24h: Ở tuổi 15, Phương Trâm đã trở thành một trong những tài năng đặc biệt của bơi Việt Nam. Trâm đã đến với đường đua xanh như thế nào nhỉ?
Nguyễn Diệp Phương Trâm: Lúc nhỏ, em bị chị gái Phương Trinh rủ rê đi bơi chứ em không thích. Ngày ấy, 2 chị em đi bơi để rèn luyện sức khỏe còn theo nghiệp bơi thì em không nghĩ đến.
Thú thật, nhiều năm nay em vẫn không thích môn bơi vì rất ghét xuống nước. Mỗi lần xuống nước là em cảm thấy khó chịu lắm. Hơn nữa, em vừa tập bơi mỗi ngày vừa phải học khiến cho em cảm thấy nhiều áp lực.
Tuy nhiên, một năm nay thì em đã bắt đầu yêu thích và muốn được xuống nước mỗi ngày. Bây giờ, em tự tin và muốn gắn bó với môn bơi, nhất là khi không còn phải căng sức ra học nhiều như trước.
- Theo Phương Trâm thì thời gian đầu không yêu thích môn bơi và ghét xuống nước. Vậy, động lực nào lại khiến Trâm gắn bó đến tận năm ngoái để bắt đầu yêu thích môn bơi?
Em quyết tâm và nỗ lực bơi vì muốn phụ giúp cha mẹ. Nhà em khó khăn nên em muốn làm điều gì đó có thể đỡ khó khăn cho gia đình. Hơn nữa, cha mẹ kỳ vọng ở em nên em phải cố gắng bơi tốt để không phụ niềm tin ấy.
“Từng lo không có đơn vị nào nhận”
- Trong suốt năm ngoái, gia đình Phương Trâm và bơi TP.HCM dính chuyện lùm xùm đi/ở. Trâm đã bị ảnh hưởng như thế nào, cũng như phải lo lắng gì cho tương lai, đặc biệt khi thời điểm ấy Trâm đang bước vào tuổi dậy thì?
Thời điểm đó em cảm thấy bức bối trong người cùng áp lực khá lớn. Em lo không có chỗ tập và sợ không có đơn vị nào nhận. Thật may, mọi chuyện đã êm xuôi và em bây giờ lại về TP.HCM.
- Khi được ngành thể thao giúp đỡ để tập ở Trung tâm HLQG TP.HCM, Phương Trâm thấy có sự khác biệt gì so với lúc tập ở Trung tâm dưới nước Yết Kiêu?
Một sự khác biệt là em lên Trung tâm HLQG TP.HCM có VĐV để em có thể đeo bám và tập luyện tốt hơn. Trước kia, em không có người để tập cùng vì chia ra làm 2 nhóm. Hơn nữa, em cảm thấy mình được quan tâm nhiều hơn so với trước đó.
- Phương Trâm có cảm thấy thiệt thòi so với các bạn cùng lứa, khi Trâm phải hy sinh rất nhiều thời gian cho môn bơi ngay từ thuở nhỏ?
Đó thực sự là một thiệt thòi của em so với các bạn cùng trang lứa. Nhiều lúc em cũng cảm thấy buồn khi vừa bơi vừa học với nhiều áp lực. Thật may, đến giờ, em đã phần nào vượt qua được điều ấy để bắt đầu đam mê với môn bơi.
“Giành HCV SEA Games & dự Olympic”
- Phương Trâm vừa làm dậy sóng cả làng thể thao với 21 HCV và lập 6 kỷ lục tại giải VĐQG 2016 bơi hồ ngắn tại Huế. Bí quyết gì trong những thành công đặc biệt ấn tượng đó?
Thực sự, em không biết nói sao hết. Lúc nghỉ Tết Nguyên Đán xong em bơi không nổi. Do em mất thời gian dài không xuống nước để luyện tập nên mất cảm giác. Sau đó, em cố gắng tập luyện trở lại thật tốt và có được thành tích.
- Đâu là thế mạnh và nhược điểm lớn nhất của Trâm theo cảm nhận của bản thân?
Em có tốc độ nên hai nội dung thế mạnh của em là 50m bướm và 50m sải. Tuy nhiên, em có điểm yếu là trong 5 mét cuối đến đích thường chậm so với các CĐV khác. Không phải vì em bị đuối mà do thể hình em không tốt và sải tay ngắn hơn so với các VĐV khác.
- Vào tháng 5 tới, Phương Trâm sẽ đi Mỹ tập huấn dài hạn. Trâm đã nhắm mục tiêu ra sao để phấn đấu trong hành trình tập luyện dài hạn ở Mỹ?
Em sang Mỹ sẽ vừa học văn hóa vừa học bơi. Em đặt ra mục tiêu sẽ cố gắng tập thật tốt để giành HCV ở SEA Games 29, phấn đấu đoạt huy chương ASIAD 2018 và giành suất chính thức dự tranh Olympic 2020.
- Xin hỏi câu cuối: Phương Trâm từng chia sẻ thần tượng của mình là siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Điều gì khiến Phương Trâm thần tượng Ánh Viên?
Cùng với tài năng, niềm đam mê đặc biệt cùng mẫu hình chuyên nghiệp hiếm có, em thích sự thân thiện và giản dị của chị Ánh Viên. Em muốn lấy chị làm tấm gương để phấn đấu nhằm không chỉ phát triển sự nghiệp mà còn hoàn thiện bản thân.
- Xin cảm ơn Phương Trâm!
Ngoài bơi, Phương Trâm còn có sở thích chơi cầu lông và đá cầu. Kình ngư này cũng rất thích ngủ. Trâm đã mất tuổi thơ, và còn phải hy sinh rất nhiều khi bước vào một quy trình rèn tập chuyên biệt, khắc nghiệt trên đất Mỹ có thể kéo dài 9 năm.
Điều đó có thể thấy rõ qua tâm sự trong nước mắt của bà Diệp Thị Viên Phượng, mẹ của Trâm: “Tôi thương con lắm. Trâm còn nhỏ mà không có tuổi thơ như các đứa trẻ khác, chịu thiệt thòi quá nhiều thứ so với các bạn bè. Nhiều hôm thấy con đi tập về và phải tiếp tục học bài thì tôi xót lắm. Nhiều khi dặn lòng nhưng cảm thấy xót quá, tôi nói với chồng cho con nghỉ bơi để lo việc học, chứ tội cho con nhỏ quá”.
“Em nghĩ cha mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với em trong nhiều năm theo nghiệp bơi. Cha mẹ đã chịu nhiều vất vả để lo lắng cho em thật nhiều”, Phương Trâm tâm sự.
Kể từ khi con gái được nhận vào bơi TP.HCM, gia đình Phương Trâm đã chuyển nhà từ quận 6 sang quận 4 để mở quán cơm và cho con gái có điều kiện học bơi tốt nhất. Đặc biệt, nửa năm đầu thì cha của Phương Trâm - ông Nguyễn Minh Trí đã thầm lặng đưa đón con đi tập luyện bất kể nắng mưa, với hy vọng con gái sẽ bơi tốt như sự kỳ vọng của gia đình.