70 năm ngày thành lập ngành thể thao: Top 3 ĐNÁ và những điểm nhấn
Những năm 1989- 2000 là giai đoạn thể thao thành tích cao Việt Nam tái hội nhập đấu trường SEA Games, từng bước tham gia các sự kiện lớn của châu lục và thế giới. Đặc điểm của giai đoạn này là ứng dụng chiến thuật “đi tắt đón đầu” để nhanh chóng rút ngắn sự tụt hậu về thành tích so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Tại SEA Games 1989, Việt Nam chỉ giành được 3 HCV, xếp 7/9 đoàn. Trong 3 kỳ tiếp theo, dù số HCV tăng đều song thứ hạng vẫn chỉ hạng 7 hay 6, chủ yếu ở môn bắn súng, bóng bàn... Trước tình trạng ấy, ngành thể thao đã tập trung du nhập, gây dựng một số môn có trong chương trình SEA Games, thay đổi tùy thuộc vào chủ kiến của nước đăng cai. Trong đó, TTVN chú trọng cho các môn võ vật, lấy võ thuật làm mũi chủ lực với taekwondo, karatedo, wushu, karatedo, vật...
Chính chiến thuật “đi tắt đón đầu” đã đem lại những kết quả quan trọng, đưa TTVN vươn dần lên đứng thứ 5 rồi thứ 4. Giai đoạn này, các môn điền kinh, thể dục dụng cụ, bơi luôn rất khó khăn để giành được HCV. Xu hướng đầu tư các môn thể thao theo chiến thuật “đi tắt đón đầu” đã chiếm ưu thế trong đào tạo VĐV ở các địa phương, thậm chí một số đơn vị mạnh như Hà Nội vì thế để mất một số môn truyền thống như bơi, bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ...
Nhận thấy sự lệch hướng do quá thiên về chiến thuật “đi tắt đón đầu”, từ năm 1994 được sự cho phép của Chính phủ, ngành thể thao đã tổ chức “Chương trình mục tiêu” và đến 1998 là “Chương trình quốc gia” để chuẩn bị toàn diện lực lượng VĐV cho đích nhắm SEA Games 2003 trên sân nhà.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cộng thêm “ưu thế truyền thống” của các nước đăng cai, TTVN đã lần đầu vươn ngôi nhất toàn đoàn. Nhiều môn trong chương trình Olympic đã vươn lên nắm giữ vị thế chủ đạo như điền kinh, bắn súng, thể dục dụng cụ, cử tạ, canoeing, rowing, đấu kiếm… Cũng kể từ SEA Games 2003, Việt Nam đã luôn xếp trong Top 3 toàn đoàn ở các kỳ Đại hội. Một số tuyển thủ ưu tú đã giành HCV ASIAD (2002, 4 HCV, 2006, 3 HCV), và huy chương Olympic (2000 với võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân và 2008 với đô cử Hoàng Anh Tuấn).
Giai đoạn 2011- 2015, thể thao thành tích cao Việt Nam vẫn giữ vững được một vị trí trong Top 3 SEA Games. Trong điều kiện phải “chống chọi” với những mặt trái tiêu cực của thể thao khu vực, chúng ta đã có những bước chuyển hướng quan trọng, điển hình như SEA Games 28 khi 87% số HCV thuộc về các môn Olympic, nhiều môn đứng đầu khu vực như thể dục dụng cụ, rowing, đấu kiếm, hay thứ 2 như điền kinh, bơi. Tuy nhiên, TTVN lại không thành công trên các đấu trường tầm cao, ASIAD và Olympic khi chỉ đoạt 1 HCV ở hai kỳ ASIAD 2010 và 2014, cũng như “trắng tay” tại Olympic 2012.
Đây là giai đoạn khó khăn của các nhà quản lý. Họ phải đấu tranh để khắc phục nhận thức và cách đầu tư dàn trải, khắc phục mặt trái của chiến thuật “đi tắt đón đầu” kéo dài quá lâu, mặt trái tiêu cực của SEA Games cùng những rào cản khách quan do mô hình tổ chức quản lý nhà nước đa ngành…
Có thể thấy, sau 3 thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, thể thao thành tích cao Việt Nam ngày càng phát triển: Giữ vững Top 3 khu vực Đông Nam Á, có một hệ thống ổn định gồm 50 môn thể thao, trong đó khoảng 30 môn đạt trình độ khu vực, 10 môn có những nhà vô địch, Á quân châu Á và thế giới điển hình là cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng...
Ngày 27/3/1946, thay mặt Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục một Nha Thanh niên và Thể dục.Cũng trong ngày 27/03 lịch sử đó, báo Cứu quốc - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh đã đăng trên trang nhất “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khỏe và Thể dục” với tinh thần “dân cường nước thịnh” và “tự tôi ngày nào cũng tập”. Đây có thể coi là 2 cột mốc lịch sử, hình thành nên một nền thể thao cách mạng, mang tính dân tộc, đại chúng và hiện đại. Và ngày 29/01/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định lấy ngày 27/03 hằng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”.
Từ HCV thế giới wushu tới HCV thế giới cử tạ mất 21 năm
Ngay từ năm 1993, võ sĩ wushu Nguyễn Thúy Hiền đã mang về cho TTVN tấm HCV thế giới tại giải đấu trên đất Malaysia, nội dung đao thuật. Thế nhưng phải sau 21 năm, đến năm 2014, Việt Nam mới có 1 tấm HCV ở một môn Olympic, do công của đô cử Thạch Kim Tuấn ở nội dung cử giật (135kg). Cũng tại giải này, Tuấn còn suýt đoạt HCV tổng cử khi chỉ thua Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên) do trọng lượng cơ thể hơn đối phương… 0,04 kg.
"Tôi từng bị phản ứng gay gắt từ chính ngành thể thao khi đặt ra vấn đề TTVN cần phải sớm bứt ra khỏi tình trạng phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào sân chơi đặc thù SEA Games cũng như chiến thuật “đi tắt đón đầu” kéo dài quá lâu, thậm chí không nhất thiết phải bảo vệ bằng được một vị trí trong Top 3 khu vực. Chính sự đầu tư hoàn toàn theo kiểu cách thời vụ, dàn trải của SEA Games đã khiến chúng ta thất bại trong tập trung cho mục tiêu “vươn lên tầm châu Á, tấn công vào Olympic” được nêu ra như một khẩu hiệu.
Rất mừng vì đến giờ TTVN đã có một bước đột phá chiến lược và nhận thức mà có thể coi SEA Games 2015 như một bước ngoặt lịch sử, khi chúng ta cử một đội hình tinh gọn chưa từng có, có số HCV ở các môn Olympic chiếm tới 87%, nổi bật với một mẫu hình Ánh Viên. Đó là thành quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, bền bỉ qua hàng thập kỷ”.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh