Làng thể thao Việt & Những cuộc chia tay kỳ lạ
“Nữ hoàng điền kinh” mất nghiệp vì… ngón chân
Nghiệp đấu của Trương Thanh Hằng rơi vào bế tắc đúng ở thời kỳ đỉnh cao nhất, có thể coi như một nỗi đau nhân đôi mà chính “khổ chủ” giờ vẫn bàng hoàng vì không tin nổi. Trong suốt 15 năm tập luyện thi đấu, tuyển thủ điền kinh số 1 này không hề bị chấn thương.
Thế nhưng, một cú tông xe của một thanh niên vô ý thức khi Hằng đang chạy bộ sáng sớm trên vỉa hè tại Đà Nẵng đã gây ra tan nạn thảm khốc cho “nữ hoàng”. Riêng chân phải gãy cả xương mác lẫn xương chày ở vị trí 1/3 cẳng chân.
Nhờ cơ địa đặc biệt cùng ý chí phi thường, Hằng đã có sự hồi phục nhanh một cách khó tin. Chỉ mất đúng 20 tháng, chị đã có thể ra sân tập gần như bình thường, thậm chí sau đó còn tranh thủ cọ xát thử sức rồi đoạt luôn tấm HCV giải sinh viên toàn quốc hồi đầu năm 2014.
Cựu binh quê gốc TP.HCM đã hoàn toàn tự tin vào khả năng dự tranh Đại hội TDTT toàn quốc và cả SEA Games 28. Chỉ có điều, cuộc kiểm tra vào cuối năm 2014 đã cho kết quả nghiệt ngã: Mọi chuyện đều rất ổn, chỉ trừ… ngón chân cái. Ngón chân cái của Hằng bị viêm, và bất ngờ ảnh hưởng trực tiếp đến các sợi dây thần kinh, cứ xỏ giày vào là nhói đau. Rốt cuộc, Hằng đã phải quyết định giải nghệ nhằm tránh ảnh hưởng nguy cơ có thể liệt chân, kể cả toàn thân nếu vẫn tiếp tục thi đấu đỉnh cao.
Ngôi sao cử tạ “trốn” về nhà cưới chồng
Ở tuổi 18, đô cử hạng 48kg Ngô Thị Ngà nổi lên như một niềm hy vọng Vàng hiếm có của cả thể thao Việt Nam cho mục tiêu Olympic. Dù chỉ đoạt HCB SEA Games 2009, song thông số của chị đã áp sát nhóm dẫn đầu thế giới, và đáng nói hơn hội đụ đầy đủ các yếu tố để vươn tới đinh cao.
Vậy mà, vừa trở về từ đấu trường khu vực trên đất Lào, cô gái ngoại thành Hà Nội bỗng dưng biến mất. Chị đổi số điện thoại, cắt đứt hoàn toàn mọi liên lạc với các nhà quản lý huấn luyện cùng các đồng đội, không lên tập huấn ở cả ĐTQG lẫn đội Hà Nội. Các thầy lặn lội tìm về tận nhà Ngà ở Đông Anh mấy lần đều không gặp, chỉ được người thân cho biết chị đang có việc đột xuất phải đi xa.
Phải đến mấy tháng sau, mọi người mới vỡ lẽ, hóa ra Ngà trốn về quê để lấy chồng, khi anh người yêu buộc chị phải lựa chọn hoặc bỏ cử tạ hoặc chia tay. Một phần vì quá yêu, phần chủ yếu cũng bởi biết điểm yếu của con gái theo thể thao, nhất là môn cử tạ, cơ hội lấy chồng có khi còn khó hơn cửa giành huy chương Olympic nên dù rất nuối tiếc song Ngà đã đành chấp nhận đánh đổi.
Bốn năm nay không ai trong làng cử tạ còn một lần thấy Ngà, chỉ biết rằng vợ chồng chị hiện đang sống ở quê, làm ruộng và buôn bán nhỏ. Từ một niềm hy vọng Olympic, cựu Á quân châu Á đã quay về làm nông dân.
Tài năng trẻ du học nhảy sào rồi về thẳng quê
Năm 2010, cả làng điền kinh đã ngưỡng mộ và kỳ vọng vào tài năng trẻ nội dung nhảy sào Trần Thị Lan khi chị nhận học bổng toàn phần theo dạng đào tạo dài hạn tại một trung tâm quốc tế trên đất Malaysia. Ngoài việc nhận hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt, tập luyện ở mức cao nhất, với một chuyên gia hàng đầu kèm cặp riêng, mỗi năm Lan còn được sang châu Âu rèn giũa 30 ngày.
Với xuất phát điểm lúc đó đã là 3m60, tương đương mức HCĐ SEA Games, theo dự báo, Lan sẽ mất khoảng 1 năm để vượt qua cột mốc 4m00 đủ tranh chấp ngôi đầu khu vực, rồi vươn ra tầm châu lục.
Chỉ có điều, đúng lúc có đủ năng lực và điều kiện cho một cuộc bứt phá, cô gái Yên Bái lại nhanh chóng mất hút. Lan sao nhãng tập luyện, và phần nào đó quá mải mê với các điều kiện khác biệt đúng tiêu chuẩn quốc tế đến nỗi tăng cân vùn vụt, thể lực và phong độ sa sút. Không chỉ vậy, người đẹp còn vướng vào chuyện yêu đương với một đồng hương nơi xứ người.
Nhiều lần nhắc nhở, rồi áp dụng biện pháp kỷ luật mạnh mà không ăn thua, các ông thầy ngoại cũng phải… bó tay, đành báo về cho phía Việt Nam giải quyết. Và chưa cần hết thời hạn năm đầu, biết mình không thể trụ lại, cũng như có những lý do riêng, chính Lan đã chủ động xin về. Bỏ qua Bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) hay đơn vị chủ quản, Lan lặng lẽ về thẳng quê, bỏ luôn nghiệp thể thao đầy triển vọng.