Những gương mặt “bỏ phố lên rừng” của thể thao TP.HCM
“Nữ hoàng điền kinh” Trương Thanh Hằng ra Ninh Bình
Đây có lẽ là trường hợp đau nhất của ngành thể thao TP.HCM, bởi ngoài chuyện mất tài năng số 1 đang ở phong độ đỉnh cao, những người có trách nhiệm còn chịu cảnh ê mặt, trước dư luận cả nước và lãnh đạo. Thật khó tin khi năm 2009, tuyển thủ điền kinh số 1 Việt Nam này vẫn chỉ nhận được mức thu nhập trên 3 triệu đồng, và gần như không được đầu tư gì. Bức xúc và chán nản, Hằng đã quyết tâm dứt áo ra đi, ngay sau khi kết thúc hợp đồng, cho dù các nhà quản lý cam kết nâng thu nhập cho chị lên 15 triệu đồng cùng một chương trình du học tại Trung Quốc. Hằng về đầu quân cho một địa phương ít tiếng tăm về thể thao ở mãi ngoài miền Bắc: Ninh Bình.
Lực sĩ Phạm Văn Mách về An Giang
Cũng chính bởi bất mãn về chế độ chính sách, nhà vô địch thế giới môn thể hình đã kiên quyết nộp đơn xin rời thể thao TP.HCM năm 2005, sau hàng loạt chiến tích quốc tế. Có nhiều nguyên nhân, nhưng rất đắng lòng khi Mách đã về khoác áo cho tỉnh lẻ quê hương An Giang chủ yếu bởi mức lương 8 triệu đồng/tháng, chưa hề cao song gấp đôi khi ở TP.HCM. Giống với Hằng, ngành thể thao TP.HCM đã không nhận được một đồng đền bù đào tạo hay phí chuyển nhượng nào của Mách.
Tay vợt nữ số 1 Đài Trang chuyển ra Đà Nẵng
Năm 2007, vì bức xúc với cách thức đầu tư của tennis TP.HCM quá dàn trải, thiếu minh bạch, phụ thuộc vào cá nhân một vài nhà quản lý huấn luyện, tài năng trẻ số 1 Việt Nam khi ấy Huỳnh Phương Đài Trang đã dứt áo ra đi. Trang chuyển ra Đà Nẵng – một địa phương không có gì nổi trội về đãi ngộ nhưng rất trân trọng tài năng. Rất bi hài bởi đến năm 2012, Trang lại xin quay trở lại, và do quá thiếu người nên ngành thể thao TP.HCM đã phải vui vẻ chấp nhận.
Phương Trâm sẽ đi đâu?
Dù gia đình kình ngư 14 tuổi này khẳng định sẽ có thể cho con nghỉ luôn nghiệp bơi song theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng đó là thấp. Ngoài thực tế dễ thấy về tài năng, tương lai sáng của Phương Trâm trên đường bơi xanh không dễ để đánh đổi, còn có những câu chuyện khác từ hậu trường.
Trâm có thể vẫn đi Mỹ theo diện du học nhưng khó rời đường bơi. Khác với Thanh Hằng, Văn Mách hay Đài Trang, riêng trường hợp của Phương Trâm, ngành thể thao TP.HCM nhận được rất nhiều sự chia sẻ từ những người làm thể thao cả nước. Đơn giản vì trên thực tế, chí ít về mặt chuyên môn và chế độ chính sách, họ đã và đang đầu tư, chăm lo rất tốt cho Trâm.
SỸ MINH