Những scandal ở môn Pencak Silat: Gài bẫy đối thủ, chấm điểm như… múa

thứ hai 15-6-2015 16:06:00 +07:00 0 bình luận
Võ sỹ bẫy đối thủ rồi nằm sân ăn vạ, một số người vào sân chỉ để biểu diễn vì biết trước kiểu gì cũng thua, 5 trọng tài có tới 5 kiểu chấm điểm cho một tình huống… Ngày thi đấu hôm qua là một “vết đen” mới của Pencak Silat.

Bẫy đối thủ phạm luật để ăn vạ kiếm HCV

Sau sự cố bi hài võ sỹ chủ nhà Indonesia chỉ chạy, núp và cắn đối thủ vẫn được trao HCV SEA Games 2011, việc võ sỹ Thái Lan Chemaeng Adilan bẫy và ăn vạ trong trận chung kết hạng 55-60kg với Nguyễn Nguyên Thái Linh hôm qua có thể coi như một “đòn bẩn”… chỉ có ở môn Silat. Khi trận đấu đang diễn ra ở hiệp 3 quyết định (đang dẫn điểm rất xa), tuyển thủ Việt Nam đã để đối thủ liên tiếp rút ngắn cách biệt, dẫn đến nôn nóng rồi tung một cú đấm vào mặt Chemaeng. Cú ra đòn thực chất chỉ lỡ tay, không hề mạnh. Tuy nhiên, dường như chờ sẵn, võ sỹ người Thái đổ gục ra sàn nằm bất động. Theo quy định, nếu Chamaeng tiếp tục thi đấu được, Linh sẽ bị trừ điểm, còn không sẽ bị xử thua. Và tất nhiên, Chamaeng đã nằm nhắm nghiền mắt, với vẻ đau đớn tột độ, cho đến khi trọng tài quyết định cho cáng vào sàn đưa ra, và xử thua Thái Linh.

Rõ ràng, trước hết Thái Linh phải tự trách mình vì đã phạm lỗi đánh cao tay. Thế nhưng Chemaeng đã cố tình bẫy và ăn vạ. Điều đó được thể hiện từ chính cú đấm mà ai cũng thấy không nặng cũng như việc “hồi sức” nhanh kinh hoàng sau đó của Chemaeng. Càng bi hài hơn bởi ở trận bán kết, anh này cũng hạ đối thủ Indonesia đúng bằng “khổ nhục kế”. Không phải ngẫu nhiên mà suốt trận, Chemaeng luôn có lối đánh cúi thấp đầu như húc vào đối phương.

5 trọng tài, 10 kiểu chấm điểm

Ngay đầu giờ chiều, các đoàn đã choáng váng khi BTC môn Silat đề nghị chuyển sang chấm điểm bằng… giấy, vì bảng điện tử bất ngờ bị hỏng. Các trận đấu bị gián đoạn tới hơn chục phút vì bị phản đối dữ dội, đến nỗi bảng điện tử bỗng dưng… hoạt động bình thường trở lại (?!).

Chỉ có điều, hệ thống điện tử cũng chỉ có mỗi cái bảng, còn đối tượng chấm trực tiếp vẫn là 5 trọng tài. Và qua chính những điểm số xuất hiện trên bảng điện tử, không chỉ giới chuyên môn mà các khán giả cũng thấy cách chấm điểm của môn này biến ảo và khó lường ra sao.

Trong hàng loạt tình huống, kể cả hai năm rõ mười (đá thắng trúng bụng, quật ngã đối thủ xuống sân), 5 trọng tài lại liên tục cho ra những điểm số khác nhau. Nhiều trường hợp cách biệt nhau tới 3-5 điểm, rồi có người cho điểm, có người không.

Cũng không có môn nào như “đặc sản” quốc võ của Indonesia khi một trận chỉ có 3 hiệp với tổng cộng 9 phút đấu mà trận nào ông Tổng trọng tài cũng phải hội ý với các trọng tài tới 5-7 lần, thậm chí cả chục lần. Qua đó cũng đủ biết tiêu chí đánh giá, chất lượng làm việc của đội ngũ trọng tài “siêu” đến mức nào.

Dù lọt vào tới 7 trận chung kết đối kháng song Pencak Silat Việt Nam phải trầy trật mới giành nổi 2 tấm HCV. Còn lại, họ đã thua theo đủ cách khác nhau mà trong đó có một số võ sỹ đã biết trước mình vào sân chỉ để biểu diễn vì kiểu gì cũng không thể thắng. Việt Nam đang mạnh nhất môn này, song ở SEA Games bấy lâu nay, việc đoạt HCV Pencak Silat còn khó hơn nhiều giải thế giới.

Phúc Tường  (từ Singapore)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội