Olympic 2016: Khi tuổi tác chỉ là chuyện nhỏ
Miễn là còn đủ khả năng và khát khao cống hiến thì dù ở độ tuổi nào, mọi VĐV đều được chào đón tại Olympic.
Tại Olympic 2016, kình ngư Gaurika Singh là VĐV trẻ nhất khi mới 13 tuổi, còn VĐV môn cưỡi ngựa nghệ thuật Marry Hanna là người nhiều tuổi nhất khi tròn 62 tuổi vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, đây chưa phải những trường hợp đặc biệt nhất trong lịch sử Thế vận hội.
Ở Olympic 1896, VĐV TDDC Dimitrios Loundras từng giành HCĐ nội dung xà kép đồng đội khi mới 10 tuổi. Sau đó 4 năm, một cậu bé người Pháp cũng bước lên bục vinh quang cùng những người đàn anh ở môn chèo thuyền. Nhiều cuộc điều tra đã diễn ra, song tên tuổi của VĐV này vẫn chưa được xác định. Theo Ủy ban Olympic Quốc tế, độ tuổi của “nhóc tì” này rơi vào quãng 7 đến 12.
Tới năm 1920, Oscar Swahn lập cú đúp danh hiệu: Trở thành VĐV nhiều tuổi nhất tham dự Olympic (72 tuổi 281 ngày) và giành HCB. Xạ thủ người Thụy Điển kết thúc sự nghiệp với 6 tấm huy chương, 3 trong số đó là vàng.
Trường hợp của Oscar Swahn cho thấy, tuổi tác đôi đi không phải trở ngại. Thậm chí, một số môn thể thao mà tuổi đời VĐV càng lớn thì càng có nhiều lợi thế. Điển hình như môn bắn súng, nội dung thi đấu đòi hỏi nhiều sức mạnh tinh thần hơn là cơ bắp đơn thuần.
“Bắn súng là môn đòi hỏi bạn phải hiểu cách chơi và chiến thắng, do vậy mà kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng khi thi đấu. Cũng vì thế nên độ tuổi đỉnh cao của các xạ thủ thường muộn hơn, từ 30 đến 40”, xạ thủ người Mỹ từng tham dự 4 kỳ Olympic - Bret Erickson cho biết.
Erickson không phủ nhận có những tay súng đã vươn lên tầm thế giới khi còn trẻ. Bằng chứng là Kim Rhode từng giành HCV tại Olympic 1996 khi mới 17 tuổi, tuy nhiên, trường hợp của Rhode chỉ là cá biệt.
“Ở những thời khắc quan trọng, ranh giới giữa chiến thắng và thất bại rất nhỏ, khi đó, những tay súng lão luyện thường là người biết cách vượt qua áp lực để đánh bại đối thủ”, Erickson khẳng định.
Không nói đâu xa, ở nội dung chung kết 10m súng ngắn hơi nam tại Rio 2016, kinh nghiệm dày dặn của Hoàng Xuân Vinh đã giúp xạ thủ 41 tuổi vượt qua Felipe Wu, 24 tuổi, ở phát bắn cuối cùng để giành HCV.
Trong khi bắn súng thể hiện chính xác câu nói “gừng càng già càng” thì TDDC lại ngược hẳn, khi sự nghiệp của VĐV bắt đầu rất sớm và thường kết thúc khi chưa đến 30 tuổi.
Ở môn TDDC, những nhà vô địch thường là các VĐV trẻ. Ví dụ như ở Olympic 2012, HCV nội dung toàn năng nữ thuộc về Gabby Douglas, lúc đó mới 16 tuổi.
Lợi thế về đặc điểm cơ sinh học là chìa khóa thành công cho những VĐV trẻ. Nhẹ cân và thấp cho phép họ thực hiện dễ dàng những động tác bay nhảy cũng như đu lắc quanh xà. Ở tuổi 19 và cao 1,42m, Simone Biles (Mỹ) đã 3 lần liến tiếp VĐTG từ năm 2013 và vừa mới lên ngôi tại Rio 2016.
“Với cơ thể phụ nữ khi qua tuổi dậy thì, sẽ là một cuộc chiến thực sự để duy trì được tỷ lệ sức mạnh và cân nặng ở mức hợp lý”, HLV TDDC John Geddert giải thích.
TDDC là môn thể thao đang gây nhiều tranh cãi vì có xu hướng tăng giới hạn độ tuổi của VĐV ở các giải đấu. Năm 1997, Liên đoàn TDDC Quốc tế quy định chỉ VĐV trên 16 tuổi mới được thi đấu, nâng thêm 1 tuổi so với những năm trước đó.
Geddert nghĩ rằng độ tuổi của các VĐV đang bị hạn chế quá nhiều: “VĐV TDDC có thể dễ dàng hoàn thành tốt các bài thi ở trình độ cao khi 14, 15 tuổi. Vậy nên, một vài trường hợp sẽ lỡ mất cơ hội tranh tài ở thời điểm đang đỉnh cao vì họ quá trẻ. Giữ phong độ thêm 4 năm để dự Olympic thực sự là điều vô cùng khó khăn ở môn TDDC”.
Geddert cũng thừa nhận các VĐV trước 13 tuổi không nên thi đấu, nhưng vẫn tha thiết đề nghị "hãy để những VĐV xuất sắc nhất được tranh tài cùng nhau ở sân chơi thế giới” bằng cách đừng đẩy độ tuổi khởi điểm lên cao như hiện nay.