Phước Hưng muốn có thêm động tác đưa vào sách giáo khoa thế giới
4 năm & 2 giây
Giải TDDC VĐTG ở Glasgow (Scotland) vào tháng 11/2015, Phạm Phước Hưng đã mạnh dạn thực hiện một động tác hoàn toàn mới ở nội dung vòng treo. Theo BXH độ khó, động tác của Hưng nằm ở mức độ D - trung bình khá nhưng để thực hiện được lại vô cùng khó.
Điểm nhấn trong động tác này là VĐV phải huy động tối đa sức mạnh ở cánh tay và vai nhằm ke thẳng người ra phía trước, sau đó bật lên hãm ngang chữ thập để kéo lên và giữ thăng bằng trong 2 giây. Do trước đó, chưa có VĐV nào thành công với động tác này nên LĐ Thể dục thế giới (FIG) đã công nhận để đưa vào sách kỹ thuật với tên gọi “PHAM” - theo họ của VĐV 28 tuổi.
Để có được động tác 2 giây ấy, Hưng phải tìm tòi và tập luyện không ngừng, bắt đầu từ một ý tưởng hình thành cách đây 4 năm. Ngay cả khi đã hoàn thành động tác, anh vẫn rất hoang mang, đơn giản vì nó quá mới. Như Hưng chia sẻ thì “mình đã nghiên cứu rất kỹ luật cùng BXH độ khó các động tác của FIG cũng như tham khảo ý kiến của nhiều HLV, chuyên gia, trọng tài quốc tế về tính hợp lệ của động tác”. Mọi người đã dành cho Hưng sự khích lệ, hỗ trợ tối đa để Hưng có thể vững tâm trên hành trình khai phá hấp dẫn mà khó nhọc, bởi điều quan trọng nhất ở đây chính là “thể hiện được sự sáng tạo và mới lạ trong động tác của mình”.
Và niềm vui, sự tự hào đã vỡ òa khi Hưng kết thúc hoàn hảo phần thi của mình, với đỉnh cao là 2 giây thăng bằng, trong sự trầm trồ của đồng nghiệp các nước, cùng chính ban trọng tài. Để có được 2 giây ấy, tuyển thủ Hà thành đã trải qua 4 năm lao động miệt mài.
Bắt đầu một thách thức mới
Đánh giá về động tác “PHAM”, HLV Trương Minh Sang - HLV đội tuyển TDDC Quốc gia bày tỏ sự tự hào xen lẫn thán phục: “Để một động tác mới được LĐ TDDC thế giới công nhận thực sự rất khó. Hưng đã làm được điều phi thường bằng chính óc sáng tạo, sự tìm tòi và khổ luyện không ngừng nghỉ. Điều tôi đánh giá cao nhất ở Hưng chính là bản lĩnh cao cường và kỹ năng hoàn hảo của cậu ấy. Thực tế, nếu Hưng chỉ cần thực hiện sai một chi tiết nhỏ, ví dụ đưa tay lên hơi cao một chút , chưa chắc FIG đã chấp nhận ”.
Còn Hưng cũng tiết lộ trong năm nay sẽ quyết tâm thực hiện thêm một động tác mới. Hưng đã có ý tưởng, lên mô hình và lộ trình để có thể triển khai thành bài tập cụ thể, trực tiếp. Anh cũng đã tham vấn một số chuyên gia TDDC Việt Nam cùng quốc tế và nhận được sự đánh giá cao về mặt ý tưởng. Dù còn phải chờ vào kết quả thực tế, song ngôi sao 28 tuổi này rất tin tưởng mình sẽ tiếp tục thành công. “So với động tác trước, động tác mới mà tôi đang ấp ủ còn độc đáo hơn nhiều song lại không quá phức tạp. Tôi tin mình sẽ sớm thực hiện và hoàn thiện được nó, nhất là dựa trên kinh nghiệm, phương pháp có được từ lần trước”.
Hưng đặt mục tiêu có thể trình làng động tác mới ngay tại giải VĐTG 2017. Tuy nhiên, đích nhắm mà anh đang dốc hết tâm sức lúc này là phải giành bằng được một suất chính thức tới Olympic 2016 tranh tài.
“Tôi vẫn đang nỗ lực tập luyện để duy trì và nâng cao phong độ nhằm chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2016 vào tháng 4 tới. Tôi tin rằng nếu thi đấu đúng khả năng, có đến 90% sẽ giành được tấm vé chính thức tới Brazil tranh tài. Khi khởi nghiệp, tôi chỉ mơ một lần mình được thi đấu tại Olympic và giờ đây, tôi đang có cơ hội để đạt được điều đó 2 lần liên tiếp”. Tuyển thủ TDDC Phạm Phước Hưng
Điểm khó nhất trong động tác ở nội dung vòng treo của Phạm Phước Hưng được LĐ Thể dục thế giới công nhận là VĐV phải huy động tối đa sức mạnh ở cánh tay và vai nhằm ke thẳng người ra phía trước, sau đó bật lên hãm ngang chữ thập để kéo lên và giữ thăng bằng trong vòng 2 giây.
Phạm Phước Hưng là VĐV TDDC thứ 2 của Việt Nam có động tác được ghi vào sách kỹ thuật thế giới. Trước đó vào năm 2013, ở nội dung thể dục tự do VĐV Phạm Tuấn Đạt đã được FIG ghi nhận với động tác santo 4 vòng trên không.