Phía sau chức vô địch lịch sử của Maseco TP.HCM: Mô hình đáng để học hỏi
“Phao cứu sinh” mang tên Maseco
Bóng chuyền nam Sài thành từng thống trị quốc gia trong suốt 2 thập kỷ 1980 - 1990, nổi bật với một cái tên SEAProdex lẫy lừng. Thế nhưng, trung tâm số 1 đã bước vào thời kỳ thoái trào kéo dài từ những năm đầu 2000 . Thậm chí sau mùa 2010, họ đã không còn đại diện nào ở hạng đấu cao nhất, với việc Thép Việt TP.HCM (đội bóng sáp nhật từ CA.TPHCM và CLB TP.HCM) rớt hạng.
Đúng thời điểm ấy, đội bóng chuyền nam TP.HCM đã được chuyển giao cho Trung tâm TDTT Phú Nhuận quản lý. Và Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) đã thả “phao cứu sinh” với hai gói tài trợ (từ năm 2011-2013 và 2014-2016) có tổng giá trị chi thực tế gần 31 tỉ đồng.
Cuộc chuyển giao đơn vị chủ quản và nhà tài trợ mang tính bước ngoặt ấy đã gần như ngay lập tức chứng tỏ sự phù hợp và hiệu quả khi Maseco TP.HCM giành quyền trở lại giải VĐQG ngay mùa 2012.
Một cuộc lột xác
Nhờ nguồn đầu tư cùng sự hậu thuẫn tuyệt vời từ Maseco, với mức trung bình 7 tỷ đồng/năm, đội bóng Sài thành đã gần như “lột xác” hoàn toàn. Hàng loạt giải pháp mang tính đột phá đã được thực hiện. Điển hình nhất là sự đổi mới đặc biệt trong việc chiêu mộ và đãi ngộ tài năng, gắn với một môi trường chuyên nghiệp thực sự được tạo ra. Nơi đây đã trở thành “bến đỗ” của nhiều gương mặt xuất sắc như Hoàng Thương, Thanh Tùng, Văn Tuấn. Ngoài tiền lương từ Sở VH-TT TP.HCM, các VĐV còn nhận được một phần san sẻ tài chánh từ nhà tài trợ Maseco. Từ mức lương 8-9 triệu đồng/VĐV đã được nâng lên thành 15-20 triệu đồng, riêng Hoàng Thương còn có tổng mức thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng.
Đội còn thuê cả HLV người Thái Lan Suntorn Phoseeta, tăng cường tối đa việc cọ xát tại các giải đấu, kết hợp với các chuyến xuất ngoại tập huấn. Và Maseco TP.HCM đã có những bước tiến mạnh mẽ để áp sát nhóm hàng đầu, khi đoạt hạng 5 ở mùa 2012 và giành HCĐ mùa sau đó.
Từ mục tiêu trụ hạng tới chức vô địch lịch sử
Mọi thứ bất ngờ chững lại trong mùa 2014 khi Maseco TP.HCM đặt mục tiêu vô địch song cuối cùng lại phải dự “VCK” ngược mới có thể trụ lại giải VĐQG. Chính việc suýt rớt hạng đã khiến Maseco TP.HCM quyết định chia tay HLV người Thái Lan Suntorn Phoseeta để mời HLV Bùi Huy Châm về huấn luyện.
HLV kỳ cựu Bùi Huy Châm đã đưa ra một loạt sự thay đổi về nhân sự, trong đó 7 vị trí không thích hợp được thanh lý hợp đồng, thay vào đó là một số nhân tố mới, có thể không phải “sao” song có thể đáp ứng đúng đòi hỏi. Ông Châm cũng đưa ra cách tính lương, thưởng mới nhằm tạo động lực và siết chặt kỷ luật. Dưới bàn tay của ông thầy từng 10 năm hành nghề ở nước ngoài, Maseco TP.HCM đã xây dựng nên đội hình có tính gắn kết cao, với lối chơi tấn công rực lửa, đầy cá tính.
Từ chỗ chỉ mong trụ hạng, chỉ sau vài trận đầu tiên của vòng bảng thứ nhất, Maseco TP.HCM đã nổi lên như một đối thủ đáng gờm nhất của mùa giải 2015. Điều quan trọng, họ càng thi đấu càng hay. Thầy trò Bùi Huy Châm đã liên tiếp gặt hái danh hiệu vô địch như Cúp Hùng Vương, Cúp TP.HCM mở rộng, Cúp Vĩnh Long, Cúp Bến Tre. Các trụ cột của đội, rõ nhất như chủ công Hoàng Thương thăng hoa đến khó tin.
Hành trình của Maseco TP.HCM đã khép lại với ngôi Quán quân giải VĐQG bằng cuộc lội ngược dòng thần kỳ trước Sanest Khánh Hòa trong trận chung kết ngay trên sân nhà với tỷ số 3-2, sau khi bị dẫn trước tới 0-2.
Phó GĐ Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, Mai Bá Hùng.
"Trong năm nay, bóng chuyền TP.HCM có tín hiệu tốt như Công an TP.HCM trở lại hạng đội mạnh, đội nữ đứng ở vị trí thứ 5, bóng chuyền bãi biển vô địch cả nam lẫn nữ. Và dĩ nhiên thành quả kết đọng nhất chính là danh hiệu mà Maseco TP.HCM mang về sau 17 năm chờ đợi. Sau chức vô địch của Maseco TP.HCM, tôi chưa dám nói bóng chuyền TP.HCM sẽ trở lại đỉnh cao nhưng đây rõ ràng là cơ hội để thực hiện điều ấy. Mô hình xã hội hóa đã góp phần giúp cho Maseco TP.HCM có được thành quả như ngày hôm nay, trong đó điều cốt yếu nhà đầu tư Maseco đã làm có tâm, chí chứ không chỉ đơn thuần tài trợ…”
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận, Nguyễn Xuân Hàn.
"Chúng tôi có nguyên tắc làm việc xuyên suốt từ trước đến nay, đó là khi làm bất cứ việc gì cũng phải tận tâm lực, làm đến nơi đến chốn để đạt hiệu quả cao nhất các nguồn lực đầu tư. Nguyên tắc ấy cũng được chúng tôi áp dụng khi tài trợ cho 2 đội bóng chuyền nam nữ của TP.HCM. Vì thế lãnh đạo và cả bộ máy của công ty đều đã vào cuộc để dành quan tâm, chăm lo sát sao cho đội bóng. Và mục tiêu đặt ra cho đội bóng cũng phải rất cao. Danh hiệu vô địch quốc gia của Maseco không chỉ là một thành quả chứng tỏ một cách làm đúng, để chúng tôi có thể tự tin và yên tâm thực hiện những dự định tốt đẹp nhất cho bóng chuyền Thành phố”.