Phía sau thành công của đô cử trẻ số 1 thế giới Thạch Kim Tuấn: Bí mật từ một quyết định bị cho là…gàn dở
(thethao24.tv) – Với tài năng trẻ 20 tuổi này, lần đầu tiên có một tuyển thủ Việt Nam được bầu chọn làm gương mặt xuất sắc nhất tại một giải đấu thế giới. Thành tích 293kg ở hạng 56kg mà Tuấn chinh phục thành công đã mang đến hy vọng Vàng cho cả thể thao Việt Nam tại ASIAD 2014 và Olympic 2016. Thật khó tin, bước ngoặt ngoạn mục anh đang có lại xuất phát từ một quyết định của ông thầy ruột Huỳnh Hữu Chí chỉ cách đây 2 năm còn bị cho là “gàn dở”.
>>>Xung quanh kỳ tích 293kg của đô cử Thạch Kim Tuấn: Vượt cả HCV Olympic
>>>Thể thao Việt Nam tại Olympic trẻ 2014: Chờ đô cử Tuấn” em” đột phá
>>>Thể thao Việt Nam trước Olympic trẻ 2014: “Trẻ” còn tệ hơn “già”
Nếu ông Chí không quyết tâm giữ học trò trụ lại hạng 56kg mà “đôn” lên hạng 62kg, rất có thể Tuấn đã mất hút, hay trở thành một đô cử rất thường.
2 năm trước, sau bước khởi đầu tuyệt vời, đặc biệt với tấm HCV Olympic trẻ 2010, Kim Tuấn rơi vào giai đoạn thực sự khó khăn, và gần như khủng hoảng về niềm tin. Niềm tin vào chính bản thân mình, và niềm tin của giới chuyên môn cùng người hâm mộ. Giống như một vòng luẩn quẩn, Tuấn vẫn đạt kết quả rất cao trong tập luyện song thi đấu lại thất bại. Anh đã thua đau ở ba giải quan trọng liên tiếp gồm giải VĐTG 2011, SEA Games 26 và vòng loại Olympic 2012. Tình thế càng “nghiệt” hơn cho Tuấn vì đúng thời điểm đó lại có sự xuất hiện của một cái tên khác không hề kém cạnh, thậm chí còn có ưu thế riêng Quốc Toàn.
Chính vì thế, các nhà quản lý đã buộc phải đặt ra một bài toán mới cho thầy trò Tuấn, theo hướng “đôn” lên hạng 62kg. Ngoài chuyện hạng 56kg đã có đại diện xứng đáng Quốc Toàn, còn bởi một lý do có vẻ rất hợp lý khi chiều cao và cân nặng có những dấu hiệu phát triển vượt chuẩn 56kg nhiều. Trong khi đó, về mặt lý thuyết, Tuấn cũng rất phù hợp và có khả năng tốt, hoàn toàn có thể vươn cao ở hạng 62kg, nhưng phần nào đó coi như phải làm lại từ đầu.
Cả hai phương án giữ hay chuyển hạng cân rõ ràng đều có nguy cơ bất thành cao, phụ thuộc cả vào sự chọn lựa của HLV Huỳnh Hữu Chí. Cuối cùng, sau mấy tháng ròng suy đi tính lại, có kiểm nghiệm nhiều mặt, ông đã quyết định đấu tranh bằng được để giữ Tuấn ở lại hạng 56kg. Ông đã phải đặt cược cả 20 năm nghiệp làm thầy của mình để bảo vệ trước lãnh đạo, cũng như đảm bảo giúp học trò đang hoang mang cực độ có thể yên tâm. Khi ấy, rất nhiều người bảo ông Chí nào “gàn dở”, nào “phá hỏng tương lai của một tài năng”.
Tuy nhiên, bản thân ông Chí lại tin tưởng tuyệt đối rằng thầy trò mình sẽ nhanh chóng vượt qua quãng gian nan để trở lại quy trình đỉnh cao. Là người tuyển chọn học trò ngay từ đầu, và dẫn dắt liên tục hàng ngày nên không ai, kể cả chính Tuấn hiểu đô cử Thạch Kim Tuấn như ông. Chỉ có ông mới biết rằng, chuyện cân nặng, chiều cao với Tuấn thực sự chỉ đơn thuần là “bộ khung” nếu điều chỉnh tốt sẽ không ảnh hưởng đến việc ổn định trọng lượng cùng nâng cao thành tích. Vấn đề với Tuấn đơn giản chỉ là sự phập phù tâm lý.
Đứng ra gánh mọi trách nhiệm, áp lực về mình, ông Chí đã giúp cho Tuấn dần lấy lại thăng bằng và nhịp điệu, mà qua đó đưa vào những điều chỉnh một cách rất nhẹ nhàng và tự nhiên. Đến 2013, mức tổng cử của Tuấn đã ổn định ở mức trên dưới 290kg, có nghĩa là đủ để tranh chấp thứ hạng cao ở mọi giải đấu. Nhưng điều quan trọng, Tuấn đã có một trạng thái tâm lý “lớn” và “lì” hơn hẳn, theo nghĩa quyết thắng song không hề sợ thua.
Và đúng như dự tính kỹ lưỡng của HLV Chí, nhịp tăng tốc đột phá đã trở lại với Tuấn chỉ sau đúng 1 năm. Anh đã liên tiếp thành công với thông số đều đặn nâng rất cao qua các giải đấu, với 3 HCĐ tại giải vô địch thế giới, 1 HCV SEA Games, và mới đây nhất là 3 tấm HCV tại giải trẻ thế giới kèm theo 2 kỷ lục.
|
Hà Thảo