Quý Phước, Ánh Viên: 4 năm bằng 3 thập kỷ (kỳ 4)

thứ năm 25-6-2015 15:08:59 +07:00 0 bình luận
Bước ngoặt của bơi Việt Nam gắn với 2 cái tên Quý Phước và Ánh Viên, minh chứng là ở SEA Games 2013 với 5 HCV – bằng thành tích cả… 12 kỳ Đại hội trước cộng lại.

Cuộc kiểm tra y sinh đặc biệt của Quý Phước

Sau SEA Games 2009 với tấm HCV thứ 3, vì động lực và thể lực, “Vua ếch” Hữu Việt coi như kết thúc sớm sứ mệnh của mình ở tuổi 21. Đúng thời điểm ấy, nhân tố mới Hoàng Quý Phước đã xuất hiện, với những tố chất lý tưởng: Chiều cao trên 1m80, sải tay dài, độ nổi và bám nước hiếm có.


Hoàng Quý Phước đã bỏ lỡ cơ hội để vươn tầm châu Á.               Ảnh: Hải Anh

Quan trọng nhất, ngay từ đầu, đơn vị chủ quản Đà Nẵng đã phối hợp với Viện Khoa học TDTT thực hiện một cuộc kiểm tra y sinh đặc biệt dành cho Phước theo đúng chuẩn quốc tế, bằng các máy móc hiện đại vừa nhập về. Qua đó, các chuyên gia không chỉ nắm bắt được các chỉ số về hình thể, sức mạnh, sức bền mà còn đưa ra những dự báo khả năng phát triển của Phước, cũng như tư vấn về lượng vận động, giải pháp dinh dưỡng, y học. “Rái cá sông Hàn” đã được đưa vào một quy trình đào tạo bài bản tương tự đàn anh Hữu Việt, với khác biệt mang tính quyết định chính là dấu ấn của cuộc kiểm tra y sinh đặc biệt kể trên.

Chỉ sau 2 năm ăn tập ở nước ngoài, dưới sự dẫn dắt của thầy ngoại, liên tục cọ xát, sức vươn của Phước đã phần nào vượt xa so với dự báo. Đến SEA Games 2011, gương mặt 18 tuổi đã gây chấn động khi trở thành kình ngư đầu tiên giành 2 HCV tại một kỳ Đại hội, ở 2 nội dung rất khó: 100m bướm và 100m tự do.
Hội tụ đỉnh cao ở Ánh Viên.

Vì nhiều lý do, Quý Phước đã không đạt tới đẳng cấp cao nhất có thể. Tuy nhiên, chính trường hợp của anh đã đặt ra một “chuẩn” mới cho bơi Việt Nam trong tuyển chọn, đào tạo VĐV trọng điểm.

Tất cả đã được hội tụ đỉnh cao với hiện tượng “độc nhất vô nhị” Nguyễn Thị Ánh Viên. Cũng giống mẫu hình của Phước, song mọi chuyện với Ánh Viên có thể nói đều đạt tới sự hoàn hảo. Viên có tố chất, sự phù hợp với đường bơi xanh thậm chí còn vượt trội so với đàn anh. Chưa kể những ưu thế nổi trội về ý chí, bản lĩnh và sự bền bỉ vô cùng khó tin. Cũng chưa từng có kình ngư Việt Nam nào được phát hiện kịp thời rồi đặt đúng vào một môi trường đào luyện hàng đầu thế giới trên đất Mỹ như Viên, bắt đầu từ năm 2012 ở tuổi 16.

Hai yếu tố chủ quan và khách quan ấy đã cộng hưởng để chỉ mất chưa đầy 2 năm, Viên đã chạm tới tầm châu lục.

4 năm bằng… 3 thập kỷ

Chỉ trong đúng 4 năm với Quý Phước rồi Ánh Viên, bơi Việt Nam đã lần đầu tham dự một đấu trường khu vực (SEA Games 2013) với 2 mũi nhọn đủ sức tranh chấp ngôi đầu. Các nhà quản lý huấn luyện cũng đã tự tin nhắm tới 3-4 HCV.

Và thành quả đã vượt quá mong đợi, khi bơi Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt mới cho chính mình, cũng như phần nào vẽ lại bản đồ đường đua xanh ĐNÁ, với 5 lần bước lên bục cao nhất. Một mình Ánh Viên ẵm tới 3 HCV, Quý Phước có 1, còn chiến tích xuất sắc còn lại do công của gương mặt lạ Lâm Quang Nhật trên đường bơi 1.500m. Nếu tận dụng tốt nhất mọi cơ hội, Việt Nam còn có thể giành thêm ít nhất 1-2 HCV.

Với 5 HCV, thành tích của bơi Việt Nam ở kỳ Đại hội trên đất Myanmar đã bằng đúng cả 12 kỳ Đại hội trước cộng lại. Theo đánh giá, bước tiến của môn này qua 4 năm từ Quý Phước đến Ánh Viên đã “bù” cho cả 3 thập kỷ, kể từ cột mốc tái hội nhập SEA Games.

HÀ THẢO

Kể từ SEA Games 2013, bơi Việt Nam đã lần đầu thoát khỏi nhóm môn “cá biệt” của TTVN. Môn này bắt đầu có tỷ trọng đáng kể so với tổng thành tích của đoàn (5 trong tổng số 73 HCV), và những tấm HCB hay HCĐ không còn “được” quý hơn cả HCV (môn khác) như trước.

Bơi Việt Nam tiến chậm như thế nào trước năm 2013?

Có mặt ngay từ lần hội nhập trở lại của TTVN tại SEA Games 1989 nhưng cho đến SEA Games 1999, Bơi lội VN vẫn không giành nổi tấm huy chương nào. Thành tích cao nhất chỉ là hạng 4 của “Nữ hoàng” Nguyễn Kiều Oanh.

SEA Games 2001: Có tấm huy chương đầu tiên, do công của Trần Xuân Hiền, giải “cơn khát” sau đúng 28 năm.

SEA Games 2003: Thêm 1 HCB, 1 HCĐ.

SEA Games 2005: Nguyễn Hữu Việt (ảnh nhỏ) đoạt HCV 100m ếch – tấm HCV đầu tiên sau 44 năm.
SEA Games 2007: 1 HCV của Hữu Việt, 1 HCĐ của Huy Long

SEA Games 2009: 1 HCV, 1 HCB của Hữu Việt, cùng 3 HCĐ. Lần đầu tiên Bơi lội VN phá được kỷ lục SEA Games, với Hữu Việt ở 2 nội dung 100 và 200m ếch nam.

SEA Games 2011: Lần đầu có 2 HCV đều thuộc về Hoàng Quý Phước ở 2 nội dung 100m tự do và 100m ngửa.

Đón đọc kỳ 5: Kỳ tích 8 kình ngư và 10 HCV

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội